Thịt bò cực bổ dưỡng nhưng lại nguy hiểm với một số người

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 09:30, 22/10/2024

Là thực phẩm giàu dinh dưỡng, thịt bò là nguồn cung cấp protein, sắt và các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể nên rất được ưa chuộng trong nhiều món ăn.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ thịt bò mỗi ngày có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của một số người, nhất là với một số người mắc bệnh mạn tính như bệnh gout, mỡ máu cao, tim mạch, thận,….

Người mắc bệnh gout không nên ăn thịt bò

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh gout. Thịt bò, với hàm lượng purin cao, là một trong những thực phẩm cần hạn chế đối với người bệnh gout. Purine, khi vào cơ thể, sẽ trải qua quá trình chuyển hóa phức tạp và cuối cùng tạo ra axit uric. Trong điều kiện bình thường, axit uric được hòa tan trong máu và thải ra ngoài qua nước tiểu.

Tuy nhiên, nếu cơ thể sản xuất quá nhiều axit uric hoặc thận không thể đào thải hiệu quả, nồng độ axit uric trong máu sẽ tăng cao, dẫn đến tình trạng tăng axit uric máu. Lượng axit uric dư thừa tích tụ trong máu, không được đào thải hết qua thận sẽ kết tinh thành các tinh thể sắc nhọn, lắng đọng ở các khớp, đặc biệt là khớp ngón chân cái, gây nên những cơn đau gout cấp tính, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Người bị mỡ máu cao, mắc bệnh tim mạch

Thịt bò, đặc biệt là phần mỡ, chứa hàm lượng cholesterol và chất béo bão hòa cao. Khi tiêu thụ quá nhiều thịt bò mỡ, lượng cholesterol xấu (LDL) trong máu sẽ tăng lên đáng kể. Cholesterol xấu đóng vai trò như một "kẻ thù" của mạch máu, nó tích tụ trên thành mạch, hình thành các mảng xơ vữa, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như: bệnh mạch vành, đột quỵ, suy tim..

Các mảng xơ vữa này làm hẹp lòng mạch, cản trở lưu thông máu, từ đó tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch nguy hiểm như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Do đó, người bệnh mỡ máu cần hạn chế tối đa việc tiêu thụ thịt bò, đặc biệt là các phần thịt mỡ, để kiểm soát lượng cholesterol trong máu và bảo vệ sức khỏe tim mạch

21-tbo1.jpg
Ăn quá nhiều thịt bò có thể gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là với người mắc bệnh mạn tính. Ảnh minh họa

Người mắc bệnh về thận

Thận đóng vai trò như những nhà máy lọc siêu nhỏ, liên tục làm sạch máu, loại bỏ các chất thải như ure, creatinin và nước thừa, đồng thời điều hòa cân bằng điện giải và huyết áp trong cơ thể. Thịt bò là một nguồn cung cấp protein dồi dào nên khi người mắc bệnh về thận tiêu thụ quá nhiều protein, thận sẽ phải làm việc quá sức để xử lý lượng chất thải nitơ tăng cao, gây áp lực lên các cầu thận và ống thận. Điều này lâu dần có thể dẫn đến tổn thương thận, giảm chức năng lọc và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý thận mãn tính.

Ngoài ra, thịt bò cũng chứa nhiều oxalat, một chất có thể kết hợp với canxi tạo thành tinh thể oxalate, là thành phần chính của sỏi thận. Việc tiêu thụ quá nhiều thịt bò sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận, gây ra các cơn đau dữ dội và có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, người mắc bệnh về thận không nên ăn thịt bò.

Người tiêu hóa kém

Thịt bò là loại thịt giàu protein, cần nhiều thời gian để tiêu hóa. Ăn quá nhiều thịt bò có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Thịt bò chứa ít chất xơ, khiến phân cứng và khó di chuyển trong ruột, gây táo bón. Quá trình tiêu hóa thịt bò tạo ra nhiều khí, gây đầy hơi, khó tiêu.

Đối với những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm, người cao tuổi, trẻ em hoặc những người đang gặp các vấn đề về tiêu hóa như viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, việc tiêu thụ thịt bò có thể gây ra các triệu chứng khó chịu. Thịt bò khó tiêu hóa, có thể làm tăng gánh nặng lên hệ tiêu hóa, gây ra các vấn đề như đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu và thậm chí là làm trầm trọng thêm các bệnh lý về đường tiêu hóa

Người bị u xơ cổ tử cung

Thịt bò, với hàm lượng estrogen cao, là một trong những thực phẩm cần hạn chế đối với người bệnh. Estrogen kích thích sự phát triển của các tế bào cơ trơn tử cung, từ đó làm tăng kích thước và số lượng các khối u xơ. Việc hạn chế thịt bò và các loại thực phẩm giàu estrogen khác là một trong những biện pháp quan trọng giúp kiểm soát sự phát triển của u xơ tử cung và giảm thiểu các triệu chứng khó chịu.

Gây tăng cân, béo phì

Thịt bò, đặc biệt là các phần thịt mỡ như sườn, ba chỉ, chứa hàm lượng calo rất cao. Việc tiêu thụ quá nhiều loại thịt này có thể dẫn đến tăng cân nhanh chóng, gây ra tình trạng béo phì. Ngoài ra, nó còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao và một số loại ung thư.

Một số nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ nhiều thịt đỏ, bao gồm cả thịt bò, có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Các hợp chất được tạo ra khi chế biến thịt ở nhiệt độ cao có thể gây tổn thương DNA và làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Một số nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ và tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Tiêu thụ nhiều thịt bòcũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy.

Theo khuyến nghị của các bác sĩ, mỗi người chỉ nên tiêu thụ không quá 500g thịt đỏ mỗi tuần, bao gồm cả thịt bò.

Nếu ăn thịt bò thì ưu tiên các phần thịt bò nạc, ít mỡ và hạn chế các phương pháp chế biến ở nhiệt độ cao như nướng, rán. Nên luộc, hấp hoặc hầm thịt bò.

Cũng theo các bác sĩ, nên ăn thịt bò kèm nhiều rau củ quả để bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất, giúp cân bằng chế độ ăn uống và tăng cường vận động để đốt cháy calo, giảm nguy cơ tăng cân, béo phì.

Lan Hạ