Bão Trà Mi hình thành ở phía Đông Philippines, có khả năng di chuyển vào Biển Đông

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:10, 22/10/2024

Bão Trà Mi (Kristine) đang mạnh lên và có khả năng di chuyển vào Biển Đông, trở thành bão số 6 trong những ngày tới.
Biến đổi khí hậu

Bão Trà Mi hình thành ở phía Đông Philippines, có khả năng di chuyển vào Biển Đông

Thanh Thanh 22/10/2024 14:00

Bão Trà Mi (Kristine) đang mạnh lên và có khả năng di chuyển vào Biển Đông, trở thành bão số 6 trong những ngày tới.

Theo thông tin mới nhất của Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) cho hay, vào hồi 4h ngày 22/10, vị trí tâm bão Kristine (tên quốc tế là Trà Mi) ở vào khoảng 13,2 độ vĩ bắc, 127,8 độ kinh đông, cách Virac, Catanduanes, Philippines 390km về phía đông.

Sức gió mạnh nhất gần tâm bão 65 km/h, giật lên đến 80 km/h và áp suất trung tâm 994 hPa. Bão đang di chuyển theo hướng tây với tốc độ 15 km/h. Phạm vi gió xoáy nhiệt đới lan ra xa tới 680 km tính từ tâm bão. PAGASA cảnh báo gió mạnh cấp 6 -7 ở Luzon, Visayas, Mindanao.

Dự báo trong 24 giờ tới, biển động mạnh đến rất mạnh với sóng cao lên đến 6,5m ở bờ biển Isabela, bờ biển phía bắc và phía đông của Khu vực Bicol. Sóng 5,5m ở bờ biển Batanes, Cagayan và Aurora, bờ biển phía bắc và phía đông của Bắc Samar.

Sóng 4,5m ở bờ biển Quần đảo Polillo, bờ biển phía bắc của Ilocos Norte, các bờ biển còn lại của Khu vực Bicol, bờ biển phía tây của Bắc Samar, bờ biển phía bắc của Biliran và bờ biển phía bắc của Samar.

capture(1).png
Dự báo hướng đi của bão Trà Mi trong ngày 22/10/2024. Ảnh: PAGASA

Bão Kristine dự kiến ​​sẽ di chuyển về hướng tây bắc đến tây tây bắc cho đến thứ năm (ngày 24/10) trước khi chuyển hướng về phía tây trong thời gian còn lại của giai đoạn dự báo. Theo dự báo đường đi, cơn bão nhiệt đới này có thể đổ bộ vào Isabela vào tối mai (ngày 23/10) và có thể rời khỏi khu vực dự báo của Philippines (PAR) vào tối thứ sáu (ngày 25/10). Không loại trừ khả năng thay đổi đường đi dự báo, tùy thuộc vào chuyển động của các hệ thống thời tiết xung quanh cơn bão nhiệt đới này trong vài ngày tới.

Theo PAGASA, bão dự kiến ​​sẽ đạt đến cấp độ bão cuồng phong vào ngày 25/10 khi vào Biển Đông. Hiện tại, vì cơn bão nhiệt đới này vẫn đang ở trên Biển Philippines, nên không loại trừ khả năng cường độ mạnh nhanh do điều kiện môi trường thuận lợi.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Việt Nam cũng dự báo, khoảng ngày 25/10, bão Trà Mi có khả năng di chuyển vào Biển Đông trở thành cơn bão số 6 trong năm 2024. Từ khoảng chiều và đêm 24/10, vùng biển phía đông của khu vực bắc Biển Đông (phía đông kinh tuyến 118,5 độ kinh đông) gió mạnh dần lên cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 12, biển động rất mạnh, sóng cao từ 3-5m, mưa giông kèm theo lốc xoáy nguy hiểm.

Tên bão Trà Mi do Việt Nam đề cử.

Từ ngày 1/1/2000, các cơn bão ở Tây Bắc Thái Bình Dương được đặt tên theo danh sách các tên mới. Các tên mới được bổ sung gồm các tên do 14 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là thành viên Ủy ban bão của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đề xuất. Mỗi thành viên cung cấp 10 tên, tạo thành danh sách 140 tên bão.

Các cơn bão hình thành trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương được WMO ủy quyền cho Trung tâm Báo bão nhiệt đới Tokyo thuộc Cơ quan khí tượng Nhật Bản đặt tên.

Trung tâm Bão Nhiệt đới Tokyo - Cơ quan Khí tượng Nhật Bản sẽ lần lượt dùng những tên trong ngân hàng 140 tên trên để đặt cho các cơn bão trong khu vực.

Các tên bão mà Việt Nam đóng góp là Sơn Tinh, Cỏ May, Bằng Lăng, Ba Vì, Côn Sơn, Sơn Ca, Trà Mi, Hạ Long, Sông Đà, Sao La. Các tên Lekima, Hoa Mai, Vàm Cỏ cũng từng được Việt Nam đề cử.

Thanh Thanh