Thế giới đứng trước nguy cơ khủng hoảng nguồn nước

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 14:30, 22/10/2024

Mới đây, thông tin từ Ủy ban Kinh tế nước toàn cầu (GCEW) cho rằng, khủng hoảng nguồn nước ngày càng lan rộng, không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp mà còn tác động xấu tới cuộc sống của con người cũng như tất cả các sinh vật khác.
Tài nguyên nước

Thế giới đứng trước nguy cơ khủng hoảng nguồn nước

Thanh Thanh 22/10/2024 14:30

Mới đây, thông tin từ Ủy ban Kinh tế nước toàn cầu (GCEW) cho rằng, khủng hoảng nguồn nước ngày càng lan rộng, không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp mà còn tác động xấu tới cuộc sống của con người cũng như tất cả các sinh vật khác.

Theo GCEW, gần 3 tỷ người và hơn một nửa sản lượng lương thực của thế giới hiện đang ở những khu vực mà tổng lượng nước dự trữ sụt giảm.

GCEW nhận định, khủng hoảng nguồn nước ngày càng lan rộng, không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp mà còn tác động xấu tới cuộc sống của con người cũng như tất cả các sinh vật khác. Khô hạn, thiếu nước ngọt nghiêm trọng còn dẫn tới các cuộc tranh chấp, kể cả xung đột vũ trang.

capture(3).png
Thế giới đứng trước nguy cơ khủng hoảng nguồn nước

Cũng theo GCEW, khủng hoảng nước có thể khiến GDP trung bình của các nước có thu nhập cao giảm 8% vào năm 2050 và các nước có thu nhập thấp giảm tới 15%. Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới Ngozi Okonjo-Iweala, đồng Chủ tịch của GCEW cảnh báo: “Khủng hoảng nước tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Suy giảm kinh tế sẽ là hậu quả của thay đổi lượng mưa và nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu, cùng với tổng lượng nước dự trữ giảm và tình trạng thiếu nước sạch và vệ sinh. Đã đến lúc phải thay đổi cách nghĩ khi coi nước là “món quà dồi dào của thiên nhiên”.

Một đồng Chủ tịch GCEW khác, Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam, nhấn mạnh, phải xem nước là vấn đề toàn cầu, trước khi quá muộn.

Theo Viện Tài nguyên thế giới (WRI), tại thời điểm này, khoảng một nửa dân số thế giới (4 tỷ người) đang đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước ít nhất 1 tháng mỗi năm và tình trạng thiếu nước sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Hiện tại, 25 quốc gia đang phải đối mặt với mức "căng thẳng cao cực độ" về tài nguyên nước. Bahrain, Cyprus, Kuwait, Liban và Oman là những nước phải đối mặt với tình trạng nghiêm trọng nhất, tiếp đó là Chile, Hy Lạp và Tunisia. Tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, có nơi 83% dân số bị ảnh hưởng cục bộ.

Tiến sĩ Samantha Kuzma (thuộc WRI) cho rằng, nguy cơ mất an ninh lương thực do thiếu nước sản xuất đã ở mức phải báo động. Mía, lúa mì, gạo và ngô bị ảnh hưởng đặc biệt. Trong khi đó, trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu sử dụng nước không ngừng gia tăng. Nhu cầu đã tăng gấp đôi kể từ năm 1960, do sự bùng nổ của nông nghiệp, nhu cầu ngày càng cao về sản xuất năng lượng, các ngành công nghiệp và sự tăng trưởng của dân số.

Dẫn chứng cụ thể, bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) tại các khu vực miền Đông và miền Nam châu Phi cho biết, các khu vực này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước ở mức độ nghiêm trọng. Mùa màng thất bát, gần một nửa (trong khoảng 247 triệu người trong khu vực) có nguy cơ mất an ninh lương thực vào năm sau (2025).

Tuy nhiên, khủng hoảng nước không chỉ diễn ra với các nước nghèo, mà ngay cả những quốc gia giàu có cũng bị ảnh hưởng.

Tổ chức từ thiện cứu trợ lương thực Foodbank cũng cho biết, gần một nửa số hộ gia đình có thu nhập thấp ở Australia (thu nhập dưới 20.000 USD/năm) đang đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực. Một trong những nguyên nhân là do thiếu nguồn nước cho cây trồng và vật nuôi. Chính quyền các địa phương Australia đã rất nỗ lực tìm giải pháp hạn chế tác hại từ vấn đề này, nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả.

Thanh Thanh