Sương mù dày đặc bao trùm nhà cao tầng ở Hà Nội
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 15:00, 22/10/2024
Sương mù dày đặc bao trùm nhà cao tầng ở Hà Nội
Sáng 22/10, Thành phố Hà Nội bị bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc, chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội đứng thứ 5 thế giới.
Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, chỉ số ô nhiễm không khí tại TP. Hà Nội sáng ngày 22/10 đứng thứ 5 thế giới, trong đó chất gây ô nhiễm chính là bụi mịn PM2.5. Chỉ số chất lượng không khí ở nhiều điểm trên địa bàn tại Hà Nội dao động chủ yếu ở mức trên 160 đơn vị, mức xấu, cảnh báo nguy hiểm tới sức khỏe.
Khoảng 9 giờ 15, hệ thống quan trắc không khí IQAir vẫn đo được mức ô nhiễm không khí ở các khu vực Hà Nội phổ biến ở ngưỡng màu đỏ.
Càng về trưa, lượng sương mù bắt đầu có hiện tượng tan dần, tuy nhiên thời gian gần đây, Hà Nội luôn trong tình trạng trời sương mù, độ ẩm không khí ở mức cao càng khiến ô nhiễm không khí thêm trầm trọng.
Các chuyên gia khí tượng cho biết, sương mù là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát mặt đất, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1km, sương mù dày đặc có thể làm giảm tầm nhìn xuống dưới 50m.
Nguyên nhân gây ra sương mù sáng nay là do trong những ngày vừa qua, không khí lạnh liên tục bổ sung nhưng chỉ ở lớp mỏng sát bề mặt, khiến cho nhiệt độ bề mặt thấp hơn so với nhiệt độ ở khoảng độ cao 900m, tạo ra lớp nghịch nhiệt, khiến không khí, bụi bẩn, hơi ẩm bị dồn nén ở lớp sát mặt đất gây ra hiện tượng mưa phùn, sương mù và ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác hình thành sương mù là do trời ở Hà Nội lặng gió, khiến không khí ít bị xáo trộn, tập trung ở bề mặt. Sương mù ở nước ta thường xảy ra thường xuyên vào các tháng từ cuối mùa thu đến cuối mùa xuân, nhiều và mạnh nhất vào các tháng mùa đông
Các chuyên gia khuyến cáo, khi không khí ô nhiễm, nhóm người bình thường nên giảm các hoạt động mạnh khi ở ngoài trời, tránh tập thể dục kéo dài. Những người thấy có triệu chứng đau mắt, ho hoặc đau họng… nên cân nhắc giảm các hoạt động ngoài trời.