Hậu Giang: Triều cường gây ngập lụt hơn 120ha cây trồng

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 15:30, 23/10/2024

Triều cường kết hợp với mưa lớn đã khiến hơn 120ha cây trồng ở Hậu Giang ngập cục bộ, có khu vực thiệt hại 100% về năng suất. Dự báo, thời gian ngập lụt vẫn kéo dài từ 2 - 6 ngày nữa.

Cụ thể, qua rà soát nhanh của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh đến ngày 21/10, toàn tỉnh ghi nhận có 74,2ha lúa Thu đông bị ngập úng trên địa bàn huyện Phụng Hiệp và thị xã Long Mỹ; trong đó 3,2ha bị thiệt hại về năng suất với tỷ lệ từ 15-20% trên cùng diện tích. Tại các địa phương còn lại, cũng ghi nhận tình trạng ngập cục bộ trên lúa Thu đông nhưng ở diện tích nhỏ lẻ và chưa bị thiệt hại về năng suất.

Ngoài ra, triều cường còn gây ngập úng 43ha mía, mức độ ngập từ 5-7cm, chưa ghi nhận thiệt hại; đồng thời có 4ha mít, sầu riêng bị ngập do vỡ đê bao tại huyện Châu Thành và có 2,7ha dưa hấu trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ bị ngập nước, trong đó có 1,8ha thiệt hại từ 20-25% và 0,9ha thiệt hại 100% về năng suất.

Ngành nông nghiệp tỉnh đang tiếp tục thống kê, theo dõi và ghi nhận ảnh hưởng của triều cường đến sản xuất của người dân.

ngap-vuon.jpg
Ảnh minh họa

Theo dự báo của Đài Khí tượng – Thủy văn tỉnh Hậu Giang, do mực nước cao trên sông Hậu kết hợp với triều cường (rằm tháng 9 âm lịch) và mưa tại chỗ, mực nước trên các sông, kênh, rạch và nội đồng ở mức cao, trên báo động 3 từ 0,15 - 0,35 m gây ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng, thấp, vùng thoát nước kém, vùng ngoài đê bao, với thời gian kéo dài từ 2 - 6 ngày, ảnh hưởng tới sinh hoạt, sản xuất và giao thông.

Huyện Phụng Hiệp và huyện Vị Thủy có mức độ ngập rất nặng; huyện Châu Thành, huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy có mức độ ngập nặng.

Hiện triều cường vào đỉnh triều của tháng 10 kết hợp với mưa lớn nên Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh đề nghị các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cần tăng cường thăm đồng, kịp thời ghi nhận và theo dõi báo cáo nhanh tình hình thiệt hại hàng ngày. Bên cạnh đó, vận động nông dân gia cố bờ bao, cống đập, khai thông dòng chảy, tích cực bơm chống ngập úng cho lúa và các loại cây trồng khác nhằm giảm nhẹ thiệt hại do mưa, lũ gây ra.

Bà con nông dân cần che, vây bờ ao cá, đắp bờ bao vườn cây ăn trái, chuẩn bị máy bơm để bơm nước ra khi ngập lụt kéo dài. Những đoạn đường ngập sâu, nước chảy xiết, chính quyền địa phương cần cắm biển báo và người dân chú ý đưa đón con em đi học trong thời gian đỉnh triều cao, ngăn các em nhỏ và học sinh tắm sông. Đồng thời, đò ngang, đò dọc, thuyền, ghe hoạt động trên sông cần di chuyển chậm để hạn chế sóng mặt, hạn chế nguy cơ sạt lở bờ và tránh xa dòng chảy xoáy.

Triều cường cao sẽ gây ngập tại những vùng trũng, thấp ven biển, cửa sông, khu vực ngoài đê bao, làm gia tăng nguy cơ sạt lở, vỡ đê và xâm nhập mặn, nhất là trong trường hợp kết hợp với nước dâng và sóng lớn do bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa có cường độ mạnh ảnh hưởng tới khu vực.

Các tình huống thời tiết thiên tai bất thường như: triều cường, ngập mặn, sạt lở đất... không chỉ khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, mà còn làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh dịch và khả năng để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Đặc biệt, khi môi trường ẩm thấp kéo dài và nguồn nước không đảm bảo vệ sinh sẽ là nguồn lây bệnh rất lớn.

Hoàng Thơ