Chùa Phổ Quang hơn 800 tuổi ở Phú Thọ cháy lớn

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 15:38, 23/10/2024

Chùa Phổ Quang ở Phú Thọ đã bất ngờ cháy lớn khiến toàn bộ kiến trúc bằng gỗ và nhiều vật dụng có lịch sử hàng trăm năm cháy rụi.

Vào khoảng 9h30 sáng 23/10, chùa Phổ Quang, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) đã bất ngờ cháy lớn. Ngay sau đó, nhà chùa, chính quyền địa phương thông báo các cơ quan chức năng.

pho-quang.jpg
Chùa Phổ Quang hơn 800 tuổi ở Phú Thọ cháy lớn

Khi phát hiện đám cháy, mọi người trong chùa và người dân địa phương đã cố gắng dùng nước để chữa cháy, đồng thời báo cho lực lượng chức năng. Tuy nhiên, do lửa bùng quá nhanh không thể dập tắt.

Nhận được tin báo, lực lượng PCCC đã điều động xe nước cùng hàng chục chiến sĩ đến hiện trường, tiến hành dập lửa, đến khoảng 11h đám cháy cơ bản được khống chế.

Theo nhà chức trách, vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người song chùa chính hư hỏng nghiêm trọng, toàn bộ kiến trúc bằng gỗ và nhiều vật dụng có lịch sử hàng trăm năm cháy rụi.

Hiện lực lượng chức năng đang phong tỏa hiện trường và làm rõ nguyên nhân vụ cháy.

dieu-tra-nguyen-nhan-chay-chua-pho-quang-ngoi-chua-hon-800-tuoi-o-phu-tho-2-14572314.jpg
Lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường dập lửa

Chùa Phổ Quang (còn được gọi là chùa Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) được xây dựng vào khoảng đầu thời Trần, đã trải qua nhiều lần tu sửa. Chùa được tu sửa lớn nhất vào năm 1626 và lần gần đây nhất vào tháng 4-2021.

Ngôi chùa có niên đại hơn 800 năm và còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị. Quần thể chùa Phổ Quang gồm các công trình kiến trúc cơ bản: Tam quan - gác chuông, nhà văn chỉ, nhà bia, nhà Tổ. Tam quan - gác chuông tại chùa vẫn bảo lưu được kiến trúc cổ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, với hệ mái chồng diêm 2 tầng 8 mái, đao cong thanh thoát, bờ nóc đắp hình Long cuốn thủy.

Năm 1980, chùa Phổ Quang được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Cháy, nổ có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, bao gồm:

1. Ô nhiễm không khí: Khói và khí độc từ cháy nổ thải vào khí quyển, làm giảm chất lượng không khí và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

2. Ảnh hưởng hệ sinh thái: Cháy rừng hay cháy nhà máy có thể phá hủy môi trường sống của nhiều loài động thực vật, dẫn đến mất đa dạng sinh học.

3. Nước bị ô nhiễm: Chất thải từ cháy nổ có thể rò rỉ vào nguồn nước, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến hệ sinh thái nước.

4. Đất bị ảnh hưởng: Chất lỏng và hóa chất từ cháy nổ có thể làm biến đổi cấu trúc đất, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây cối.

5. Biến đổi khí hậu: Khí nhà kính được thải ra từ cháy nổ có thể góp phần vào biến đổi khí hậu, gây ra những hệ lụy lâu dài cho hành tinh.

Hoàng Thơ