Cần Thơ tập trung phát triển kinh tế xanh, hướng đến phát triển bền vững và phát thải ròng bằng 0
Kinh tế môi trường - Ngày đăng : 19:00, 24/10/2024
Cần Thơ tập trung phát triển kinh tế xanh, hướng đến phát triển bền vững và phát thải ròng bằng 0
Trong thời gian qua, TP. Cần Thơ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT) theo xu thế chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Theo đó, Thành ủy Cần Thơ vừa ban hành Công văn 1032-CV/TU quán triệt, triển khai Kết luận số 81-KL/TW ngày 04/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.
Nội dung Công văn nêu rõ, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI, nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố ngày càng được nâng cao.
Cùng với đó, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường cũng được quan tâm. Công tác quy hoạch, quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng, từng bước đi vào nề nếp.
Những thành quả mà thành phố Cần Thơ đạt được trong thời gian qua như chính quyền đã ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế xã hội, môi trường nhằm thực hiện mục tiêu chung.
Các ngành, lĩnh vực bước đầu đã lồng ghép và xây dựng các giải pháp hiệu quả phát triển ngành gắn liền phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, kiểm soát ô nhiễm và quản lý chặt chẽ chất thải.
Cần Thơ đặt ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao, công nghệ sạch, tiết kiệm hiệu quả năng lượng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng các ngành có số lượng tri thức, công nghệ cao, giảm dần tỷ trọng các ngành sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành quả, thành phố Cần Thơ cũng thừa nhận vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Những khó khăn cơ bản có thể kể đến như trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố vẫn còn lúng túng, thiếu đồng bộ và chưa hiệu quả.
Các vấn đề xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, tình trạng ngập úng khi mưa lớn, triều cường xảy ra tại các đô thị trung tâm; đặc biệt tình trạng sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn ngày càng diễn ra nghiêm trọng.
Vấn đề tài nguyên nước đang có nguy cơ ô nhiễm do nhiều nguồn thải. Sức ép về ô nhiễm môi trường có nguy cơ gia tăng do tốc độ đô thị hóa, phát triển công nghiệp và hoạt động y tế…
Trước tình hình đó, lãnh đạo Thành phố Cần Thơ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường theo xu thế chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, phục hồi hệ sinh thái hướng đến Net Zero và đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Là đô thị trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long cả về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, thời gian qua, Thành phố Cần Thơ đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang tính bước ngoặt với định hướng phát triển xanh, nền kinh tế xanh trong khu vực.
Nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực được triển khai thực hiện tạo được sự lòng trong các tầng lớp nhân dân: Khuyến khích mọi hình thức giao thông ít phát thải khí carbon, thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện công cộng, xe đạp hoặc xe điện để di chuyển; chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu; trồng cây và xây dựng nhiều công viên trong khuôn viên thành phố...
Ở nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường được triển khai hiệu quả, với 100% dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh. Thành phố cũng thực hiện hiệu quả các mô hình như “Phường sạch rác”, “Tuyến đường sáng- xanh- sạch- đẹp”...
Mới đây, trong khuôn khổ chương trình OPCC 2023- 2024 nhân sự kiện Ngày Môi trường Thế giới (05/6), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã công bố và trao danh hiệu “Thành phố Xanh quốc gia” năm 2024 cho thành phố Cần Thơ vì những nỗ lực không ngừng nghỉ mà người dân và chính quyền thành phố này đạt được.