Quảng Ngãi: Chủ động ứng phó bão với bão Trà Mi

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:30, 24/10/2024

Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai ứng phó với mưa lớn và bão Trà Mi.
Biến đổi khí hậu

Quảng Ngãi: Chủ động ứng phó bão với bão Trà Mi

Phúc Minh 24/10/2024 11:30

Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai ứng phó với mưa lớn và bão Trà Mi.

Theo đó, đối với việc ứng phó bão Trà Mi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn yêu cầu các cơ quan, đơn vị sử dụng hệ thống liên lạc hiện có thông tin, thông báo cho thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết về diễn biến của bão Trà Mi để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

quang-ngai.jpg
Ảnh minh họa

Thông báo yêu cầu tất cả các tàu thuyền đang hoạt động tại khu vực phía Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa không được chủ quan, phải nhanh chóng di chuyển để tránh trú. Tổ chức kiểm đếm các tàu thuyền đang hoạt động trên biển; quản lý chặt chẽ việc ra biển hoạt động của các tàu, thuyền. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.

Trong khi đó, đối với ứng phó mưa lớn gây nguy cơ sạt lở đất, lũ quét và ngập úng vùng trũng, Phó Chủ tịch Trần Hoàng Tuấn yêu cầu thông báo kịp thời đến người dân trong khu vực nhằm chủ động các biện pháp ứng phó. Tập trung kiểm tra, rà soát kịp thời và huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn, theo phương châm 4 tại chỗ dã được phê duyệt trong phương án của địa phương, đơn vị.

Sẵn sàng tổ chức lực lượng để kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các hồ chứa và vùng hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi đang bị xuống cấp, nhất là các hồ chứa đã có biểu hiện nguy hiểm; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết, theo dõi và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Kiểm tra công trường và chỉ đạo chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình trên sông, suối, vùng ven biển, chủ động tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và người lao động.

Đồng thời, văn bản yêu cầu các địa phương, đơn vị thường xuyên cập nhật tình hình, công tác triển khai tại địa bàn, tình hình thiệt hại (nếu có) báo cáo về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

Phúc Minh