Ứng phó bão số 6, Quảng Ngãi lên phương án di dời hơn 1000 hộ dân tại 67 điểm có nguy cơ sạt lở
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:30, 26/10/2024
Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất
Theo nhận định của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi, do ảnh hưởng của cơn bão số 6, khả năng từ đêm ngày 26/10 đến hết ngày 29/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ có đợt mưa lớn trên diện rộng, gây nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét và ngập lụt vùng trũng, thấp.
Theo rà soát, thống kê, hiện toàn tỉnh Quảng Ngãi có 67 điểm có nguy cơ cao sạt lở đồi, núi tập trung ở các xã thuộc các huyện miền núi Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây và Trà Bồng. Cụ thể, huyện Minh Long có 5 điểm, Sơn Hà 30 điểm, Sơn Tây 6 điểm, Ba Tơ 12 điểm và huyện Trà Bồng có 14 điểm.
Trước tình hình trên, tỉnh Quảng Ngãi đã lên phương án để di dời, sơ tán 1.013 hộ/ 4.003 khẩu ở 67 điểm có nguy cơ cao bị sạt lở đồi, núi đến nơi an toàn. Cụ thể, huyện Minh Long: 83 hộ/365 khẩu; huyện Sơn Hà: 354 hộ/1.392 khẩu; huyện Sơn Tây: 102 hộ/389 khẩu; huyện Ba Tơ: 197 hộ/750 khẩu và huyện Trà Bồng: 277 hộ/ 1.107 khẩu.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, triển khai theo phương án đã được duyệt.
Đồng thời, các huyện, thị xã, thành phố tập trung kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất, sơ tán dân đến nơi an toàn; cắm biển báo và bố trí người canh gác tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, cầu yếu. Vận hành an toàn các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện.
Trước đó, để ứng phó với cơn bão số 6, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã triển khai nhiều phương án ứng phó, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn, thực hiện việc chằng chống nhà cửa.
Đồng thời, lên phương và chốt thời gian cố định về việc di dời, sơ tán tổng số dân dự kiến là 2.499 hộ/ 7.711 khẩu ở những vùng nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của cơn bão số 6.
Cụ thể, đảo Lý Sơn 145 hộ/ 375 khẩu, việc di dời, sơ tán hoàn thành trước 22 giờ ngày 26/10; huyện Bình Sơn: 1.878 hộ/ 5.153 khẩu và thành phố Quảng Ngãi: 476 hộ/ 2.183 khẩu, hai địa phương này phải hoàn thành trước 07 giờ ngày 27/10.
Từ 7h ngày 26/10, tạm hoãn tất cả các cuộc họp chưa cần thiết để ứng phó bão số 6
Chiều 25/10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn ký và ban hành văn bản hỏa tốc gửi các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện trong tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó bão Trà Mi (cơn bão số 6).
Cùng với nội dung tạm hoãn tất cả các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung vào công tác phòng chống, khắc phục bão, mưa lũ từ 07 giờ ngày 26/10. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn chỉ đạo các đơn vị chức năng cấm tất cả các phương tiện, tàu thuyền ra biển hoạt động, bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại, từ 10 giờ ngày 26/10 cho đến khi có thông báo mới.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 6; thông báo, hướng dẫn kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng, tránh, thoát ra khỏi hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm của bão. Hoàn thành việc kêu gọi tàu thuyền trước 10 giờ ngày 26/10.
Thông báo, hướng dẫn và yêu cầu các chủ lồng, bè đang nuôi trồng thủy sản trên biển khẩn trương di chuyển vào nơi an toàn. Tổ chức neo đậu tàu thuyền, lồng bè đảm bảo an toàn tại nơi cư trú; chủ động đưa tàu nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại. Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn. Hoàn thành việc neo đậu, sắp xếp tàu thuyền, lồng bè tại khu neo trú trước 17 giờ ngày 26/10.
Cùng với đó, yêu cầu các huyện Lý Sơn, Bình Sơn và TP. Quảng Ngãi, trên cơ ở phương án ứng phó thiên tai năm 2024 đã được phê duyệt, xây dựng kịch bản ứng với tình huống bão cho các xã ven biển gồm: số lượng hộ dân và nhân khẩu di dời, sơ tán; địa điểm đến; lực lượng, phương tiện hỗ trợ; người chỉ huy, gửi về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh trước 10 giờ ngày 26/10 để tổng hợp xây dựng chung cho tỉnh.
Các địa phương còn lại sẵn sàng phương án sơ tán dân để chủ động, triển khai ứng phó trong tình huống bão ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các xã ven biển rà soát, kiểm tra và huy động lực lượng, phương tiện để gia cố, chằng chống các công trình, trụ sở làm việc, nhà xưởng..., chặt tỉa cây để đảm bảo an toàn; hướng dẫn và hỗ trợ người dân gia cố, chằng chống nhà ở, ưu tiên hỗ trợ những gia đình có người già, neo đơn. Hoàn thành trước 18 giờ ngày 26/10.
Đối với việc ứng phó mưa, lũ, sạt lở, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện công tác phòng chống thiên tai và ứng phó sạt lở núi, đồi, ngập úng, đảm bảo an toàn cho các công trình cầu giao thông trên địa bàn quản lý; kịp thời cập nhật tình hình bão, mưa, lũ để có chỉ đạo phù hợp.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn trên kịp thời đến người dân trong khu vực nhằm chủ động các biện pháp ứng phó, đảm bảo thông tin phải đến được từng hộ gia đình. Tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt đến nơi an toàn (theo phương châm 4 tại chỗ đã được phê duyệt trong Phương án của địa phương, đơn vị).
Sẵn sàng tổ chức lực lượng để kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, khu vực ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông suốt trên các trục giao thông chính.
Khẩn trương rà soát, kiểm tra việc nạo vét hệ thống thoát nước, khơi thông miệng hố ga, kênh mương, cống, rãnh, trục tiêu có nguy cơ bị tắc nghẽn, các hố ga các tuyến công trình đang thi công có nguy cơ gây ngập úng khu dân cư trong khu vực và không để khu vực trung tâm TP. Quảng Ngãi xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ hoặc diện rộng kéo dài; túc trực 24/24 để xử lý ngập úng, ách tắc hệ thống thoát nước cục bộ.
Chỉ đạo các Chủ đầu tư các công trình đang thi công, nhất là các công trình trên sông, suối khẩn trương triển khai phương án ứng phó thiên tai cho công trình, tổ chức thu dọn vật cản trên sông, suối và neo đậu chắc chắn các phương tiện thi công, khai thác vật liệu xây dựng, tuyệt đối không để phương tiện trôi, dạt gây hư hỏng cầu giao thông phía hạ lưu.
Đồng thời, tổ chức triển khai các biện pháp an toàn cho các cầu yếu trên địa bàn trong tình huống có lũ xảy ra. Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và vùng hạ du; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết, theo dõi và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.