Quảng Bình: Mưa lớn dồn dập, 15.032 ngôi nhà ngập trong nước lũ
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:30, 28/10/2024
Sáng sớm 28/10, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, do ảnh hưởng của bão số 6, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, gây ngập lụt sâu và diện rộng phía nam tỉnh.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, do ảnh hưởng bão Trà Mi, từ 0h ngày 26/10 đến 6h ngày 28/10 trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa một số trạm như Sông Thai 728,2mm; Kiến Giang 724,6mm; An Mã 699,6mm. Hiện đã có 15.032 ngôi nhà bị ngập trong nước.
Trong đó, Lệ Thủy là huyện có số nhà ngập nhiều nhất với 10.636 ngôi nhà, trong đó khoảng 1/3 ngập hơn 1 mét. Chính quyền phối hợp với Đồn Biên phòng Làng Ho tổ chức di dời 89 hộ, với 333 khẩu ở các bản của 2 xã Kim Thủy và Lâm Thủy đến nơi an toàn.
Ở hạ du hồ chứa nước Dạ Lam, xã Thái Thủy, chính quyền đã di dời 85 hộ dân đến nơi an toàn.
Ngoài ra, trong đêm qua, tại các xã, thị trấn vùng thấp trũng, hàng chục hộ dân đã di dời nội bộ từ nhà thấp sang nhà kiên cố, cao tầng hoặc đến nhà tránh lũ cộng đồng.
Theo nhiều người dân Lệ Thủy, mức nước lũ dâng nhanh trong đêm qua đã khiến họ liên tưởng đến đợt mưa lũ lịch sử năm 2020. Tuy nhiên với thực tế hiện tại đây có thể là trận lũ tương đối cao nhưng có lẽ không lặp lại lũ lịch sử.
Tại huyện Quảng Ninh, lũ lụt làm ngập 4.026 nhà, chia cắt 112 thôn bản, huyện sơ tán 50 hộ dân. Tại thành phố Đồng Hới, nhiều khu dân cư, tổ dân phố ngập cục bộ nhưng sâu nhất là 370 hộ dân ở phường Đức Ninh Đông và xã Đức Ninh.
Mưa lũ đã làm nhiều tuyến đường giao thông ở Quảng Bình bị ngập, sạt lở. Đặc biệt, tuyến Quốc lộ 1 đoạn Km696+600 ÷ Km697 (ngã 4 Cam Liên, huyện Lệ Thủy nước ngập 0,45m gây ách tắc giao thông. Lực lượng công an phân luồng phương tiện ra tuyến đường tránh lũ nên giao thông trên con đường huyết mạch Bắc-Nam không bị đình trệ.
Các tuyến như Quốc lộ 9B, Quốc lộ 9C nước ngập sâu nhiều đoạn và đang tiếp tục lên gây tắc đường, đơn vị quản lý đã bố trí rào chắn và lực lượng trực gác cảnh báo.
Đường Hồ Chí Minh đoạn xã Trường Thủy, Lệ Thủy ngập dài 800m, điểm sâu nhất là 80cm không đi lại được.
Các đường phố ở Đồng Hới nhiều điểm ngập 0,6m, cá biệt có các tuyến đường ở phường Đồng Phú ngập 1m.
Ngay từ chiều qua khi nước các sông trên địa bàn dâng cao, các trường học ở các huyện phía nam Quảng Bình đã chủ động cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn. Cán bộ, giáo viên được huy động đến trường để phòng chống lũ lụt. Các đơn vị, trường học chủ động di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại.
Hiện nay, nước trên sông Kiến Giang tại trạm thủy văn Kiến Giang đã vượt báo động 3 hơn 2,67 m; nước trên sông Gianh tại trạm thủy văn Lệ Thủy vượt báo động 3 hơn 0,42 m. Mức độ ngập lụt cao hơn và diễn biến phức tạp khi Quảng Bình đang có mưa to đến rất to. Vì thế, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các địa phương tiếp tục chủ động đối phó với tình hình mưa lũ ở cấp độ cao hơn và kéo dài nhiều ngày.
Do mưa lớn kéo dài, tình hình sạt lở ở tỉnh Quảng Bình cũng trong tình trạng báo động cao. Khu vực bờ biển thôn Thanh Xuân (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) bị sạt lở với chiều dài khoảng 1,5 km, sâu 2 - 3 m; Quốc lộ 9B đoạn Km77+580 sụt ta luy âm (P) dài khoảng 15 m đã xói lở đến chân nền đường. Đơn vị quản lý đã rào chắn khu vực này để đảm bảo giao thông; đồng thời tiếp tục theo dõi để xử lý. Cùng với đó, trên nhiều tuyến đường này có những điểm đoạn bị sạt lở ta luy dương với khối lượng ước khoảng 2.000 m3 gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông khi ngang qua đây.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm Kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, đến thời điểm này, trên địa bàn đã có 1 người mất tích do nước lũ cuốn trong khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại xã Thái Thủy (huyện Lệ Thủy).
Công tác chỉ đạo, triển khai ứng phó với tình hình bão, lụt đang được chính quyền các cấp, ngành đẩy mạnh triển khai. Trong đó, tỉnh đẩy mạnh phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); ưu tiên triển khai di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.