Đắk Lắk: Đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn kéo dài
Môi trường xã hội - Ngày đăng : 15:00, 28/10/2024
Sáng 28/10, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của rìa Tây Nam hoàn lưu của bão số 6, từ ngày 27 đến 28/10 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông.
Lượng mưa các huyện Ea H’leo, Ea Súp, Krông Búk, Krông Năng, Buôn Đôn, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột phổ biến từ 20-50mm, có nơi lớn hơn 80mm; các huyện còn lại 10-30mm, có nơi lớn hơn 50mm.
Đến 11 giờ ngày 28/10, tình hình mưa, lũ trên địa bàn tỉnh chưa gây ra thiệt hại lớn. Tuy nhiên, Ban Chỉ huy và Tìm kiếm cứu nạn cũng như các cấp chính quyền trong tỉnh vẫn đang theo dõi chặt chẽ, bám sát tình hình, không lơ là, chủ quan trước diễn biến khó lường của thời tiết.
Để chủ động ứng phó với thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố và các thành viên Ban Chỉ huy chỉ đạo, triển khai theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh và triển khai các nội dung phương án ứng phó thiên tai năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Chủ động triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; đồng thời chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục ngay các sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Tổ chức kiểm tra, rà soát, sẵn sàng các phương án bảo đảm an toàn cho các khu vực dân cư, các vị trí xung yếu có nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ.
Trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp về tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại gửi về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời chỉ đạo.
Lũ quét và sạt lở đất là những hiện tượng có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Dưới đây là một số tác động chính:
Thiệt hại về đất đai: Sạt lở đất làm mất đi lớp đất màu mỡ, gây khó khăn cho việc trồng trọt và phục hồi hệ sinh thái.
Mất đa dạng sinh học: Lũ quét và sạt lở có thể phá hủy môi trường sống của nhiều loài động thực vật, dẫn đến giảm đa dạng sinh học.
Ô nhiễm nguồn nước: Lũ quét có thể cuốn theo chất thải, hóa chất và rác thải, gây ô nhiễm các nguồn nước như sông, suối.
Suy giảm chất lượng đất: Sau khi xảy ra lũ quét, đất có thể bị nhiễm mặn hoặc mất đi các dưỡng chất cần thiết, làm giảm khả năng sản xuất nông nghiệp.
Tăng nguy cơ thiên tai: Những khu vực đã trải qua lũ quét và sạt lở đất có thể dễ bị tổn thương hơn trong các trận lũ lụt hoặc sạt lở tiếp theo.
Hủy hoại cơ sở hạ tầng: Các công trình như cầu, đường giao thông và nhà cửa có thể bị phá hủy, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế.
Thay đổi địa hình: Sạt lở có thể làm thay đổi cấu trúc địa hình, ảnh hưởng đến dòng chảy của nước và làm tăng khả năng xảy ra lũ quét trong tương lai.