Hải Dương: Hàng trăm người nỗ lực dập tắt đám cháy rừng ở thị xã Kinh Môn
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 14:56, 28/10/2024
Khoảng 10 giờ ngày 28/10, người dân phát hiện cháy rừng tại xã Lê Ninh (Kinh Môn, Hải Dương) và nhanh chóng thông báo lên cơ quan chức năng.
Ngay khi nhận được thông tin, Bí thư Thị ủy Kinh Môn Nguyễn Vỹ đã trực tiếp tới hiện trường chỉ đạo công tác chữa cháy. Thị xã đang tập trung khoảng vài trăm người gồm: Công an, quân sự, kiểm lâm, lực lượng xã Lê Ninh và một số xã, phường lân cận cắt cành cây, tạo đường băng cản lửa.
Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Kinh Môn Mao Việt Hải, đám cháy chưa đến 1 ha. Do thời tiết hanh khô, lớp thực bì dày và lượng cây gãy đổ sau bão số 3 khiến lửa lan nhanh và khó khăn cho công tác chữa cháy.
Trước đó, vào khoảng 17h ngày 5/10, tại thị xã Kinh Môn xảy ra vụ cháy rừng tại cánh rừng phía sau chùa Gạo. Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng tại tỉnh Hải Dương đã huy động khoảng 700 người gồm công an, quân đội, ban quản lý rừng, chính quyền thị xã Kinh Môn và nhân dân các xã, phường để khống chế và dập tắt đám cháy.
Được biết, diện tích rừng bị ảnh hưởng do vụ cháy khoảng 5-6ha. Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hải Dương cho biết, dự báo cháy rừng trên địa bàn TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn đang ở cấp IV - cấp nguy hiểm, nguy cơ cháy rừng lớn, nếu xảy ra cháy tốc độ lửa lan tràn nhanh.
Chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm, nhất là Hạt Kiểm lâm thị xã Kinh Môn và TP Chí Linh tham mưu cho UBND các cấp rà soát kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng với phương châm "4 tại chỗ"; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Cơ quan kiểm lâm cũng đã kiểm tra, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ việc dùng lửa trong rừng và gần rừng, không dùng lửa để xử lý thực bì; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng.
Cháy rừng gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho môi trường, bao gồm:
Mất đa dạng sinh học: Cháy rừng có thể tiêu diệt nhiều loài động, thực vật, dẫn đến suy giảm sự đa dạng sinh học trong khu vực.
Ô nhiễm không khí: Khói từ cháy rừng chứa nhiều chất độc hại, làm ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Thay đổi khí hậu: Khi rừng bị cháy, lượng carbon dioxide lớn được phát thải vào khí quyển, góp phần vào hiện tượng biến đổi khí hậu.
Xói mòn đất: Cháy rừng làm mất lớp thực vật bảo vệ đất, dẫn đến xói mòn và giảm khả năng giữ nước của đất.
Suy giảm chất lượng đất: Nhiệt độ cao từ cháy rừng có thể làm giảm độ phì nhiêu của đất, ảnh hưởng đến khả năng tái sinh thực vật.
Mất môi trường sống: Nhiều động vật mất nơi sinh sống và có thể bị đe dọa tuyệt chủng.
Tác động đến nguồn nước: Cháy rừng có thể làm thay đổi dòng chảy và chất lượng nước trong khu vực, ảnh hưởng đến hệ sinh thái nước.