Miền Trung tiếp tục mưa lớn, ngập lụt còn kéo dài
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:00, 29/10/2024
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông nên từ đêm qua đến sáng sớm nay, mưa lớn vẫn tiếp diễn từ phía Nam Hà Tĩnh trở vào đến Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, lưu ý lũ ở Quảng Bình vẫn đang dao động ở mức cao nên ngập lụt tiếp diễn các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ qua (từ 1h ngày 28/10 đến 1h ngày 29/10), khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã có mưa to, có nơi mưa rất to như: Hồ Kim Sơn (Hà Tĩnh) 261 mm; Lâm Thủy (Quảng Bình) 346,4 mm; Tà Long (Quảng Trị) 238,8 mm; Hồng Trung (Thừa Thiên - Huế) 152,8 mm. Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện: Cẩm Xuyên, Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Bố Trạch, Lệ Thủy, Minh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Trạch, thành phố Đồng Hới, Tuyên Hóa, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình); Cam Lộ, Đa Krông, Gio Linh, Hải Lăng, Hướng Hóa, thành phố Đông Hà, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, Vĩnh Linh (Quảng Trị); A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế).
Độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1; tại các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị là cấp 2.
Lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội. Cơ quan chức năng tại địa phương cần lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh, ứng phó.
Dự báo từ sáng sớm nay đến hết đêm 30/10, mưa lớn còn tiếp tục ở Nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế với tổng lượng mưa trong hai ngày có thể lên tới 100-200mm, có nơi trên 400mm, nguy cơ xảy ra mưa cường suất lớn trên 100mm trong 3 giờ, làm gia tăng nguy cơ ngập úng.
Hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất theo thời gian thực của Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia tiếp tục cảnh báo nguy cơ tím (nguy cơ cao nhất) với ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Dự báo từ 31/10, mưa lớn giảm dần ở khu vực trên.
Các tỉnh miền Bắc hôm nay tiếp tục chịu tác động của khối không khí lạnh nên trời nhiều mây, có mưa vài nơi. Thủ đô Hà Nội và một số nơi khác ở đồng bằng như Hải Phòng, Nam Định chỉ khoảng 19 - 22 độ C. Thậm chí, vùng núi cao như Sa Pa, Tam Đảo giảm thấp chỉ 15 - 16 độ C.
Dự báo đến trưa chiều nay, trời vẫn khá nhiều mây nên nhiệt độ không tăng nhiều. Thủ đô Hà Nội và các thành phố Ninh Bình, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang sang đến Lào Cai, Sơn La, Điện Biên Phủ hầu hết dưới 28 độ C.
Khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận hôm nay nhiều mây, có mưa rào và dông rải rác vào chiều và tối. Gió tây nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ. Nhiệt độ cao nhất 28-31 độ.
Khu vực Tây Nguyên hôm nay mưa giảm, chỉ còn xảy ra vài nơi. Các thành phố Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột nhiệt độ phổ biến 26 - 27 độ C. Riêng Đà Lạt nhiệt độ thấp hơn, chỉ 22 độ C.
Nam Bộ tiếp tục có mưa dông rải rác về chiều, cục bộ có điểm mưa to. Còn trước đó sáng và trưa nay, trời có nắng gián đoạn. Nhiệt độ cao nhất ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các nơi khác phổ biến 29 - 32 độ C.
Trên biển, ngày và đêm 29/10, vịnh Bắc Bộ, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9; sóng biển cao 2 - 4,5 m; biển động mạnh. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận, vùng biển phía Tây khu vực giữa Biển Đông có gió Tây Nam cấp 6, giật cấp 7 - 8; sóng biển cao 2 - 4m; biển động. Vùng biển Quảng Trị và từ Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây Trường Sa) có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8; sóng biển cao 2 - 3 m; biển động.
Ngoài ra, ngày và đêm 29/10 ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển phía Tây khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển Hoàng Sa); vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.