TP. Hồ Chí Minh đảm bảo an ninh năng lượng
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 06:33, 13/09/2020
Mục tiêu cụ thể đưa ra trong giai đoạn 2021 – 2030 là xăng, dầu, gas đến năm 2030 đạt khoảng 4,1 triệu TOE (tấn dầu quy đổi); công suất lưới điện đáp ứng đủ và có dự phòng nhu cầu sử dụng điện cực đại đến năm 2025 là 7.000 MW, đến năm 2030 là 8.850 MW; sản lượng điện thương phẩm đến năm 2025 đạt khoảng 40.478 triệu kWh năm 2030 đạt khoảng 53.232 triệu kWh (tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 – 2030 là 5,63%/năm); Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo so với công suất cực đại của hệ thống điện thành phố phấn đấu đạt tối thiểu 15% trong giai đoạn 2025 – 2030; Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc Top 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc tốp 3 nước dẫn đầu ASEAN, tổn thất điện năng nhỏ hơn 3,5% và phấn đấu sản lượng điện tiết kiệm hàng năm chiếm hơn 2% sản lượng điện thương phẩm.
Ảnh minh họa
Để đạt được mục tiêu trên, TP.HCM đưa ra kế hoạch phát triển các nguồn cung năng lượng cho thành phố theo hướng đa dạng hoá, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững. Theo đó, đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp, tiếp dẫn nhiên liệu, các trạm dự trữ dầu, khí gas và các dạng năng lượng khác theo chiến lược và quy hoạch phát triển năng lượng của quốc gia và thành phố; Ưu tiên sử dụng năng lượng mặt trời, khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy phát điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn; Khuyến khích các dự án nhiệt điện khí sử dụng LNG để đảm bảo đáp ứng nguồn cung ứng điện tại chỗ cho thành phố, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống; Ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống, khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái…
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Công thương TP.HCM chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận – huyện xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố; Tham mưu UBND TP.HCM chủ trương đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại trụ sở của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn; Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư có các dự án phát điện bằng rác đẩy nhanh tiến độ dự án để sớm đưa vào khai thác, vận hành.
“Sở Công thương TP.HCM tổ chức kiểm tra, giám sát các đơn vị điện lực trên địa bàn thành phố trong việc đầu tư, cải tạo và nâng cấp hạ tầng cấp điện theo đúng quy hoạch điện đã được phê duyệt, đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, hiệu quả, cung cấp điện phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân trên địa bàn”, ông Đức chỉ đạo.
Phương Nhy (T/h)