Cháy rừng dữ dội, bầu trời Mỹ chuyển màu đỏ rực như “tận thế”

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 00:30, 11/09/2020

Moitruong.net.vn – Bang California (Mỹ) đang trải qua đợt cháy rừng tồi tệ, khói từ những đám cháy rừng quy mô lớn đã che phủ mặt trời và đổi màu bầu trời từ cam đến cam đỏ.

Các vụ cháy rừng ở bang California vẫn chưa được dập tắt trong suốt 3 tuần qua. Ngọn lửa dữ dội tiếp tục lan rộng với tốc độ 40 km trong một ngày. Lửa tạo ra làn khói dày đặc bao trùm nhiều khu dân cư.

Những ngày gần đây, người dân sống tại California (Mỹ) đã chứng kiến cảnh tượng hiếm có khi bầu trời chuyển sang màu cam. Ô tô phải bật đèn pha ngay giữa ban ngày mới di chuyển an toàn được.

Bang California (Mỹ) đang trải qua đợt cháy rừng tồi tệ.

Bầu trời chuyển màu đỏ quạch được cư dân mô tả như trong “ngày tận thế”. Có thông tin cả tro bụi cũng rơi xuống từ bầu trời. Những cột khói khổng lồ do cháy rừng hoành hành khắp California đã khiến khu vực vịnh phải phát cảnh báo chất lượng không khí độc hại kéo dài 25 ngày liên tục. Kỷ lục trước đó là 14 ngày liên tiếp khi xảy ra cháy rừng năm 2018.

Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nguyên nhân khiến bầu trời hóa cam (hoặc đỏ) tại California hay Oregon những ngày này là do đám khói bốc lên từ cháy rừng. Khi Mặt Trời chiếu ánh sáng xuống Trái Đất, nó cũng phát ra bức xạ. Những bức xạ có bước sóng nằm trong quang phổ mà con người nhìn thấy được. Màu sắc có bước sóng dài nhất từ đỏ đến cam, trong khi xanh lam và tím có bước sóng ngắn nhất. Bầu trời có màu xanh lam là do hiện tượng tán xạ ánh sáng.

Người dân dừng lại chụp ảnh ở cầu Cổng Vàng ngày 9/9 trong nền bầu trời vàng cam. Ảnh: AP.

Ánh sáng Mặt Trời xuyên qua khí quyển Trái Đất có thể gặp hơi nước, sol khí (aerosol), bụi hoặc các hạt phân tử (nitơ và oxy). Nếu bầu trời quang đãng, ánh sáng ở bước sóng màu xanh lam dễ dàng bật khỏi các hạt nitơ, oxy rồi phân tán ra mọi hướng. Đó là lý do chúng ta thấy bầu trời có màu xanh lam vào ban ngày.

Bầu trời như ban đêm ở Mill Valley lúc gần 10 giờ sáng. Ảnh: The Chronicle.

Tuy nhiên nếu có cháy rừng, ánh sáng Mặt Trời sẽ xuyên qua lớp khói dày đặc. Theo NASA, những hạt khói từ cháy rừng lớn hơn nhiều so với hạt phân tử khí, cho phép bước sóng dài như đỏ và cam xuyên qua dễ dàng trong khi những bước sóng ngắn bị chặn. Đó là lý do bầu trời chuyển sang màu cam hoặc đỏ nếu có cháy rừng.

Có thể so sánh hiện tượng này với bình minh và hoàng hôn. Khi mọc hoặc lặn, Mặt Trời ở gần đường chân trời nên ánh sáng sẽ xuyên qua nhiều lớp khí quyển của Trái Đất. Chúng chặn đi ánh sáng có bước sóng ngắn nên chỉ có bước sóng dài lọt qua được, khiến bầu trời có màu cam hoặc đỏ.

Các tòa nhà cao tầng ở khu vực Vịnh San Francisco dưới nền trời màu cam. Ảnh: Getty Image.

Ngày 6/9, Thống đốc bang California Gavin Newsom đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì cháy rừng đối với 5 hạt gồm Fresno, Madera, Mariposa, San Bernardino và San Diego.

Lực lượng cứu hỏa bang California khẳng định trong suốt 33 năm qua, chưa khi nào có tới gần 900 nghìn ha rừng bị thiêu rụi chỉ trong một năm. Đó là chưa kể mùa khô hanh thường dẫn đến cháy rừng, vẫn còn khoảng 2 tháng nữa mới kết thúc.

Thống kê cho thấy cháy rừng tại California trong năm 2020 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 7 người, khoảng 3.800 công trình bị hư hại hoặc phá hủy.

Hồng Anh (t/h)

Hồng Anh (t/h)