Kon Tum: Cần hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 13:54, 30/10/2024
Kon Tum: Cần hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn
Vấn đề phân loại rác tại nguồn không là trách nhiệm riêng đơn vị thu gom rác thải, mà chính là trách nhiệm chung của cộng đồng, ý thức từ mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình.
Phân loại rác tại nguồn đã từng là mô hình đẩy triển vọng
Trên thực tế, việc phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn thành phố Kon Tum đã manh nha từ lâu, bằng chứng cụ thể cho thấy là các điểm thu mua phế liệu vẫn còn tồn tại cho đến thời điểm hiện nay. Tuy nhiên vào thời điểm đó cũng như bây giờ, việc phân loại rác thải rắn ở các hộ gia đình hầu hết chỉ được chia ra làm 2 nhóm: Rác thải tái chế và rác thải chung. Sở dĩ ý thức phân loại đó được hình thành là vì rác thải tái chế có thể tái sử dụng và đem bán để kiếm thêm thu nhập cho cá nhân, hộ gia đình.
Nhưng trên thực tế, để phân loại rác thải rắn đúng theo quy chuẩn của nó thì phải chia ra thành 3 nhóm: Rác thải thực phẩm, rác thải tái chế và rác thải khác. Theo đó, rác thải thực phẩm là nhóm chất thải tách ra trong quá trình làm bếp như thức ăn thừa, thực phẩm hư hỏng, vỏ trái cây,…; rác thải tái chế là nhóm chất thải từ vật liệu sắt, thép, nhựa, nilong, giấy, lốp cao su, thùng,…; rác thải khác là nhóm còn lại, không tái chế được như giấy ăn, thủy tinh, quần áo cũ, xương động vật…
Việc dồn hết các loại chất thải rắn vào một nơi không những gây ô nhiễm môi trường, tốn thời gian, mà còn tốn kinh phí trong quá trình xử lý. Trước đây, thí điểm phân loại rác tại nguồn đầu tiên trên địa bàn tỉnh Kon Tum được thực hiện từ năm 2012 dưới mô hình “Quản lý rác thải bền vững và vì người nghèo” do Ủy ban Kinh tế - Xã hội Liên hiệp quốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Tổ chức Hành động vì môi trường và phát triển tài trợ được triển khai thí điểm tại 1.500 hộ gia đình ở 8 tổ dân phố thuộc 3 phường nội thành là Quang Trung, Thắng Lợi, Duy Tân. Hộ dân mẫu tham gia mô hình được phát 2 thùng rác sơn màu xanh và vàng để phân loại.
Thời điểm đó, không quá khó để thấy ở một số xã, phường cũng có ít nhất 1 vị trí thu gom rác thải công cộng với 2 thùng rác màu xanh – vàng. Triển khai phân loại rác thải ban đầu có tín hiệu đáng mừng khi mà nhiều người dân sử dụng thùng rác màu đúng mục đích. Tuy nhiên, “thói quen vẫn là thói quen”, sau những hào hứng và nỗ lực ban đầu của một số người tiên phong trong việc triển khai mô hình thì chỉ hiệu quả trong thời gian ngắn. Việc phân loại rác thải trong ký ức người dân có vẻ trở nên “phiền phức”, nên thói quen vẫn không thể thay đổi được. Đến nay, hầu hết việc phân loại rác dường như đã bị lãng quên, chính vì thế ý tưởng bảo vệ môi trường từ những điều nhỏ nhất lại một lần nữa được phổ biển mạnh mẽ, nhưng chưa thực sự đi sâu vào tiềm thức và thói quen của con người.
Cần phải mặc định: Phân loại rác thải là một trong những việc làm hết sức cần thiết, là thói quen cần phải thay đổi để đời sống xã hội trở nên văn minh, góp phần cải thiện môi trường. Phân loại rác thải tốt giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả tái chế, tiết kiệm chi phí xử lý, nâng cao ý thức cộng đồng, tạo ra sản phẩm giá trị từ rác thải, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Một lần nữa “phục hồi” thói quen phân loại rác tại nguồn…
Nhằm nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung và thành phố Kon Tum nói riêng tiếp tục triển khai đồng bộ thu gom, phân loại rác tại nguồn.
Ông Trương Cảnh Vinh – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường đô thị - đơn vị trực tiếp thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn thành phố Kon Tum cho biết: "Hiện nay, việc phân loại chất thải rắn đang là vấn đề bất cập. Công tác triển khai phân loại rác thải tại nguồn có kế hoạch từ ngày 02/10/2024, được đưa vào áp dụng bắt đầu từ ngày 10/10/2024, nhưng đến nay đã là cuối tháng 10 thì một số hộ gia đình vẫn chưa nắm được để thực hiện. Trong thời gian thực hiện thí điểm, phương án tuyên truyền của đơn vị trong việc phổ biến phân loại rác tại nguồn là quá trình công nhân thu gom rác thì vận động bằng miệng đến từng hộ dân, đồng thời, Công ty Môi trường đô thị cũng đã thiết kế tờ rơi hướng dẫn phân loại rác thải để phục vụ cho mục đích tuyên truyền".
Phải nhận thức rằng, vấn đề phân loại rác tại nguồn không là trách nhiệm riêng của đơn vị thu gom rác thải, mà chính là trách nhiệm chung của cộng đồng, ý thức từ mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình.
Tồn đọng thiếu sót của mô hình triển khai cách đây hơn 10 năm, người dân có xu hướng “nạnh” việc phân loại rác khi cho rằng “phân loại làm gì rồi nhân công cũng đổ tất cả các loại rác vào 1 xe mới chở đi xử lý” thì đến nay, Công ty cổ phần Môi trường đô thị đã bố trí 3 loại xe chở rác tương ứng với 3 nhóm chất thải rắn. Đồng thời, thực hiện thu gom rác thải theo ngày, đối với ngày chẵn thì sẽ thu gom chất thải thực phẩm, đối với ngày lẻ sẽ thu gom chất thải tái chế và chất thải khác. Không những vậy, việc áp dụng hình thức phạt hành chính đối với hành vi không phân loại rác thải và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ cũng sẽ được triển khai sau thí điểm.
Với những đổi thay trong cách triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở thành phố Kon Tum, hi vọng rằng mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình, mỗi tập thể cũng sẽ thay đổi thói quen hằng ngày để chung tay vì môi trường, vì lợi ích của xã hội.