Hà Nam nước sông ô nhiễm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 06:24, 06/01/2018

(Moitruong.net.vn) – Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã và đang tích cực chuẩn bị cho sản xuất vụ lúa xuân 2018. Thế nhưng, việc lấy nước đổ ải lại đang là mối quan tâm lớn, bởi nguồn nước trên một số con sông chảy qua các địa phương  đang bị ô nhiễm nặng.

Nước sông Nhuệ đen xám được bơm lên đồng ruộng

Những ngày qua, lòng kênh tưới Trạm bơm chợ Lương (Duy Tiên) phủ kín một màu trắng của bọt nước bơm từ sông Duy Tiên lên tưới cho đồng ruộng. Bọt trắng xoá, cao đến hàng mét nhưng phía dưới lại là một màu nước đen xám, bốc mùi hôi nồng nặc.

Ông Nguyễn Việt Bình, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Tiên cho biết: Nước sông Duy Tiên ô nhiễm kéo dài cả tháng nay. Trước khi bơm nước đổ ải, từ ngày 10/12/2017, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Hà Nam đã cho mở Âu thuyền Tắc Giang nhưng do mực nước sông Hồng thấp hơn phía trong nên nước không chảy vào được.

Để bảo đảm phục vụ sản xuất vụ xuân, từ ngày 20/12/2017, Xí nghiệp Thuỷ nông Duy Tiên đã cho vận hành một số trạm bơm nhập nước vào kênh và phục vụ việc làm đất, gieo mạ.

Theo lịch sản xuất, Duy Tiên gieo mạ từ ngày 20-25/1/2018 và cấy xong trước ngày 28/2/2018, do đó nước tưới phải có trước, nếu không sẽ khó đáp ứng kịp so với lịch thời vụ. Yêu cầu đặt ra là nước tưới phải bảo đảm phục vụ xong trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất (tức là khoảng từ ngày 10-13/1/2018) để bảo đảm một phần diện tích cấy trước Tết và cấy đại trà sau Tết. Thông thường việc bơm nước phục vụ đổ ải, gieo cấy ở Duy Tiên kéo dài trong khoảng 45 ngày.

Để phục vụ tốt yêu cầu nước tưới đầu vụ, Xí nghiệp Thuỷ nông Duy Tiên đã lập kế hoạch phục vụ và bắt đầu vận hành bơm từ ngày 20/12/2017, Trạm bơm chợ Lương hoạt động từ ngày 23/12/2017. Cũng theo ông Bình, biết là chất lượng nước khó đáp ứng được yêu cầu, nhưng hiện nay đang là mùa cạn, đơn vị phục vụ vẫn phải bơm. Hơn nữa, ngoài nước sông Duy Tiên cũng không còn có nguồn nào khác.

Không chỉ riêng địa bàn huyện Duy Tiên, huyện Kim Bảng cũng đang trong tình trạng như vậy. Nước sông Nhuệ đang bị ô nhiễm, nhưng từ ngày 2/1/2018, các trạm bơm nhỏ lẻ đã phải hoạt động và đến ngày mùng 4/1/2018 Trạm bơm Giáp Ba cũng phải vận hành đồng loạt các máy bơm phục vụ 3.700 ha diện tích gieo cấy lúa xuân. Nước sông Nhuệ chỉ mới nhìn thôi, nhân viên trạm bơm ai nấy cũng đều lắc đầu ngán ngẩm. Nhưng vì không có nguồn nào khác nên đành phải bơm.

Ông Nguyễn Tiến Thụy, Tổ trưởng Tổ kỹ thuật Xí nghiệp Thuỷ nông Kim Bảng cho biết: Đã hàng chục năm nay, nước bơm tưới đầu vụ sản xuất đông xuân đều như vậy cả. Thậm chí, trong hai đợt cuối tưới cho cây vụ đông 2017 nước cũng bị ô nhiễm. Đã có năm một số trạm bơm phải căng lưới chắn cho bọt không bắn ra khu vực xung quanh.

Theo thông báo của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, lần gần đây nhất đơn vị lấy mẫu nước sông Nhuệ và sông Duy Tiên phân tích mức độ ô nhiễm là vào đầu tháng 12/2017. Ngày 4/12/2017, trung tâm đã có Thông báo số 09/TB-TTQT về tình hình nước sông Nhuệ, sông Duy Tiên đang bị ô nhiễm báo động cấp 2 theo quy định bảo vệ môi trường của UBND tỉnh. Nước trên sông Duy Tiên khu vực thị trấn Hoà Mạc và Trạm bơm Hoành Uyển có màu xám đen.

Tại khu vực chân cầu Hoà Mạc: Nồng độ amoni là 21,1 mg/L-N, vượt 70,3 lần; ô xy hoà tan 2,0 mg/L, nhỏ hơn 2,5 lần giới hạn cho phép. Tại Trạm bơm Hoành Uyển: nồng độ amoni là 20,7 mg/L-N, vượt 69 lần; ô xy hoà tan 1,83 mg/L, nhỏ hơn 2,7 lần giới hạn cho phép. Đây là đợt thứ 9 trong năm 2017, nước trên các con sông này bị ô nhiễm.

Theo bà Trịnh Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, tình trạng nước sông Nhuệ, sông Duy Tiên bị ô nhiễm đã kéo dài từ tháng 12/2017 đến nay. Để cập nhật đầy đủ tình hình nước sông ô nhiễm, sáng ngày 4/1/2018, trung tâm tiếp tục lấy mẫu nước đem đi phân tích để có thông báo tới các cơ quan, địa phương có biện pháp phòng ngừa, hạn chế thiệt hại.

Trước thực trạng nước sông Duy Tiên bị ô nhiễm khó đáp ứng yêu cầu sản xuất, UBND huyện Duy Tiên đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp với Xí nghiệp Thuỷ nông rà soát, tính toán lại diện tích đã được phục vụ nước tưới; công suất, năng lực các trạm bơm hiện tại và diện tích còn lại cần phải bơm trong thời gian bao lâu để có thể điều chỉnh lịch bơm nước đổ ải.

Nếu trong điều kiện cho phép, sẽ chờ lịch xả nước hồ thuỷ điện Hoà Bình mới tiếp tục bơm. Trạm bơm chợ Lương cũng tạm dừng hoạt động từ chiều tối ngày 3/1 để sửa chữa máy móc, nhưng đây cũng chỉ dừng tạm thời. Trước mắt, huyện Duy Tiên chỉ đạo các trạm bơm chỉ bơm tối thiểu để phục vụ làm đất gieo mạ bảo đảm kịp thời vụ. Còn tại huyện Kim Bảng, vì huyện nằm sâu ở trong nên dù hồ thuỷ điện vận hành cống xả cũng sẽ rất khó lấy được nguồn nước này.

Do đó, trong khoảng một tháng các trạm bơm bơm vận hành, nước sông thế nào thì phải chấp nhận bơm như vậy thôi – ông Nguyễn Tiến Thụy cho biết.

Theo báo Hà Nam