Nam Bộ sắp đón đỉnh triều cường, mực nước tại nhiều khu vực vượt báo động 3

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:00, 31/10/2024

Dự báo, mực nước tại hầu hết các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai sẽ lên chậm trong 5 ngày tới, đỉnh triều cường có khả năng xuất hiện vào ngày 2 và 3/11.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước tại hầu hết các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai xuống chậm trong 24 giờ qua.

Đến 7 giờ sáng nay ngày 30/10, mực nước cao nhất ngày thực đo tại các trạm ở mức dưới Báo động 1, riêng trạm Thủ Dầu Một (sông Sài Gòn) ở mức 1,53m (trên Báo động 2 0,03m).

Mực nước tại hầu hết các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai sẽ lên chậm trong 5 ngày tới.

trieu-cuong-7543(1).jpg
Nam Bộ sắp đón đỉnh triều cường, mực nước tại nhiều khu vực vượt báo động 3

Dự báo từ ngày mai (1/11), triều cường sẽ lên dần, đỉnh triều của đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 2 và 3/11 (tức mùng 2 – 3 tháng 10 Âm lịch) và ở mức như sau:

Tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) và trạm Nhà Bè ( kênh Đồng Điền) có thể đạt mức 1,55-1,60m ( xấp xỉ hoặc thấp hơn Báo động 3 0,05m). Thời gian xuất hiện đỉnh triều 5-6 giờ và 17-19 giờ.

Tại trạm Thủ Dầu Một có thể đạt mức 1,63-1,68m (trên Báo động 3 0,03-0,08m); Tại trạm Biên Hoà có thể đạt mức 1,80-1,85m (xấp xỉ hoặc cao trên Báo động 1 0,05m). Mức độ rủi ro thiên tai khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai ở cấp độ 2.

Như vậy, so sánh với đỉnh triều cường giữa tháng 9 Âm lịch vừa qua (ngày 19-21/10), mực nước các trạm Phú An và trạm Nhà Bè trong kỳ triều cường ngày 2 và 3/11 sắp tới được dự báo có xu hướng giảm từ 0,13-0,15m.

Trong khi đó, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đỉnh triều cường có khả năng xuất hiện từ ngày 2 - 4/11. Mực nước cao nhất tại trạm Mỹ Thuận ở Vĩnh Long sẽ vượt báo động 3 từ 5 - 10cm. Tại trạm Cần Thơ ở thành phố Cần Thơ, mực nước xấp xỉ hoặc dưới báo động 3 khoảng 5 cm. Còn vùng ven biển, trạm Gành Hào ở Bạc Liêu xấp xỉ báo động 3.

Triều cường cao sẽ gây ngập tại những vùng trũng, thấp ven biển, cửa sông, khu vực ngoài đê bao, làm gia tăng nguy cơ sạt lở, vỡ đê và xâm nhập mặn, nhất là trong trường hợp kết hợp với nước dâng và sóng lớn do bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa có cường độ mạnh ảnh hưởng tới khu vực.

Các tình huống thời tiết thiên tai bất thường như: triều cường, ngập mặn, sạt lở đất... không chỉ khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, mà còn làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh dịch và khả năng để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Đặc biệt, khi môi trường ẩm thấp kéo dài và nguồn nước không đảm bảo vệ sinh sẽ là nguồn lây bệnh rất lớn.

Hoàng Thơ