Bắc Kạn: Liên tiếp xảy ra cháy rừng trên đất lâm nghiệp
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 17:00, 07/11/2024
Bắc Kạn: Liên tiếp xảy ra cháy rừng trên đất lâm nghiệp
Từ ngày 28/10 đến ngày 6/11, tại Bắc Kạn liên tiếp xảy ra 6 vụ cháy rừng và cháy trên đất lâm nghiệp tại các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Ba Bể, Chợ Mới và thành phố Bắc Kạn.
Tổng diện tích bị cháy khoảng 5,66 ha. Trong đó, diện tích đất có rừng 1,51 ha và cháy lau lách 3,26 ha.
Về nguyên nhân chính xảy ra các vụ cháy, UBND tỉnh Bắc Kạn thông tin là do việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng bất cẩn, dẫn đến tình hình cháy rừng có chiều hướng diễn biến phức tạp. Thời điểm này đã bước vào mùa khô nên những tháng cuối năm sẽ ít mưa, tình trạng khô hanh có thể kéo dài, dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao, gây thiệt hại về rừng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân.
Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành công điện số 16/CĐ-UBND tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 4/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng;
Kế hoạch số 906/KH-UBND ngày 29/12/2023 của UBND tỉnh về phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024; thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tập trung cao cho công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, khẩn trương chỉ đạo UBND cấp xã, các phòng, ngành chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở.
Các địa phương, đơn vị chủ rừng kiểm tra, rà soát, điều chỉnh lại phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo sát, đúng thực tế, có tính khả thi; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời quan tâm đảm bảo, chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ, đảm bảo theo đúng cấp dự báo cháy rừng; có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, tài sản và đảm bảo kịp thời chế độ cho các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ trực cháy và chữa cháy rừng.
Các bên liên quan kiểm tra, đôn đốc và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân; nghiêm cấm việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng khi cấp dự báo cháy rừng trên cấp III. Khi có cháy rừng xảy ra, Chủ tịch UBND cấp huyện phải kịp thời chỉ đạo các ngành chức năng và UBND cấp xã nơi có rừng bị cháy huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn kịp thời chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ”...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm kịp thời phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, địa phương và đơn vị có liên quan thông tin, cảnh báo cấp dự báo cháy rừng khi dự báo trên cấp III, tăng cường lực lượng bám sát cơ sở, thực hiện nghiêm chế độ trực 24/24 giờ, canh phòng trực tại các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ động, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, kịp thời ứng cứu các tình huống khẩn cấp về cháy rừng khi có yêu cầu. Công an tỉnh chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương, Kiểm lâm, chủ rừng, đơn vị liên quan điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...
Cháy rừng gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đối với môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, khí hậu, đa dạng sinh học, và sức khỏe con người. Dưới đây là một số tác hại chính của cháy rừng đối với môi trường:
1. Mất mát về đa dạng sinh học
- Hủy hoại môi trường sống: Cháy rừng phá hủy các khu vực sống của động thực vật, khiến nhiều loài phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt, các loài động vật không kịp di chuyển ra ngoài khu vực cháy sẽ chết do thiếu chỗ ở hoặc thiếu thức ăn.
- Giảm số lượng loài: Những loài thực vật và động vật sống trong khu vực rừng có thể mất đi môi trường sống tự nhiên của chúng, dẫn đến giảm số lượng và sự phân bố của nhiều loài.
2. Tăng khí thải CO2 và hiệu ứng nhà kính
- Phát thải CO2: Khi cháy rừng xảy ra, lượng lớn khí CO2 và các khí gây hiệu ứng nhà kính khác như CO, NOx và methane (CH4) được thải ra không khí. Những khí này góp phần làm tăng nhiệt độ toàn cầu và biến đổi khí hậu.
- Giảm khả năng hấp thụ CO2: Rừng là một trong những "bể chứa carbon" tự nhiên lớn, hấp thụ CO2 từ khí quyển. Khi rừng bị cháy, không chỉ mất đi khả năng hấp thụ CO2 mà còn thải thêm khí này vào không khí, làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu.
3. Suy giảm chất lượng không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe con người
- Ô nhiễm không khí: Khói và các hạt mịn từ cháy rừng có thể lan rộng trong không khí, gây ô nhiễm nghiêm trọng, làm giảm chất lượng không khí và có thể gây bệnh về đường hô hấp, đặc biệt đối với những người mắc các bệnh tim mạch hoặc phổi.
- Ảnh hưởng sức khỏe: Khói từ cháy rừng có thể gây ho, khó thở, và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, đặc biệt là đối với trẻ em, người già và những người có hệ miễn dịch yếu.
4. Gây tổn hại cho đất và nước
- Suy thoái đất: Cháy rừng làm cho đất trở nên cằn cỗi, giảm khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng. Sau cháy, đất thường dễ bị xói mòn vì không còn lớp thảm thực vật bảo vệ.
- Ô nhiễm nguồn nước: Các chất ô nhiễm từ cháy rừng, như tro và dầu mỡ, có thể trôi xuống các con sông, hồ, và nguồn nước ngầm, gây ô nhiễm và làm hại hệ sinh thái nước.
5. Sự thay đổi cấu trúc của hệ sinh thái
- Biến động hệ sinh thái: Sau cháy, hệ sinh thái có thể bị xáo trộn nghiêm trọng, dẫn đến sự thay đổi trong cấu trúc của các loài thực vật và động vật. Một số loài có thể không thể phục hồi hoặc di chuyển vào khu vực mới, trong khi các loài khác có thể xuất hiện hoặc gia tăng.
- Sự thay thế của các loài cây: Sau một vụ cháy, những loài cây có khả năng chịu cháy cao hoặc mọc nhanh hơn có thể chiếm ưu thế, thay thế các loài cây gỗ lớn, dẫn đến sự thay đổi trong cấu trúc của rừng
6. Tác động lâu dài đối với khí hậu toàn cầu
- Biến đổi khí hậu: Cháy rừng góp phần vào sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, vì vậy khi bị phá hủy, sẽ làm giảm khả năng điều hòa nhiệt độ và làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão tố, và lũ lụt.