Phú Yên nỗ lực giảm thiểu tác động của rác thải nhựa
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:00, 08/11/2024
Phú Yên nỗ lực giảm thiểu tác động của rác thải nhựa
Với sự hỗ trợ của các tổ chức môi trường trong và ngoài nước, thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để xử lý các điểm nóng về rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa khu vực ven biển, hướng tới mục tiêu đến năm 2025, trở thành điểm đến xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường.
Phú Yên có bờ biển dài gần 190km với nhiều đầm, vịnh tạo nên cảnh quan sinh thái phong phú, đa dạng và là tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển. Phú Yên đang định hướng phát triển kinh tế theo hướng mở, liên kết, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, nhất là tại vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ tác động thiên tai.
Giống như các địa phương ven biển trên cả nước, Phú Yên cũng đang chịu ảnh hưởng bởi rác thải đại dương, đặc biệt là rác thải nhựa. Việc phát sinh chất thải nhựa và chất thải rắn nói chung đã gây ra các ảnh hưởng xấu về cảm quan, môi trường và hệ sinh thái, từ đó dẫn đến các tác động tiêu cực về kinh tế.
Trước thực trạng này, với sự hỗ trợ của các tổ chức môi trường trong và ngoài nước, thời gian qua tỉnh đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để xử lý các điểm nóng về rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa khu vực ven biển, hướng tới mục tiêu đến năm 2025, Phú Yên trở thành điểm đến xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường.
Theo Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam), Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam được triển khai tại 10 địa phương trong cả nước, trong đó có Phú Yên. Đến nay, Phú Yên đã thực hiện thành công nhiều mô hình thí điểm về bảo vệ môi trường mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là giảm thiểu rác thải nhựa, nói không với đồ nhựa dùng một lần.
Các mô hình đạt hiệu quả cao như Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử về các sản phẩm nhựa, chất thải nhựa ở các địa phương ven biển, nhất là đầm vịnh; Trường học không rác; Phân loại rác và xử lý rác trong cộng đồng bằng thùng ủ; Vận động ngư dân mang rác vào bờ; Ngư dân nuôi trồng thủy sản vịnh Vũng Rô tham gia hưởng ứng thu gom chất thải từ nuôi trồng thủy sản; Xóa các điểm nóng và cải thiện môi trường tại khu vực Hòn Yến; Điểm trung chuyển rác ở xã An Mỹ; Làm nước tẩy rửa sinh học từ vỏ trái cây; Phân loại rác, thu gom riêng và ủ phân hữu cơ tập trung; Phân loại rác thải tại chợ dân sinh; Chiến dịch làm sạch biển Phú Yên; Làm túi từ lưới đánh cá cũ; Giảm thiểu rác thải nhựa ở siêu thị, trung tâm thương mại; Quản lý rác thải tại TP Tuy Hòa…
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam của WWF - Việt Nam, Dự án giảm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam triển khai tại Phú Yên đã và đang tạo ra những thay đổi tích cực trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Chính các nỗ lực tổng thể từ các bên liên quan đã tạo động lực cho dự án tiếp tục đồng hành cùng địa phương trong hành trình giảm thiểu rác thải nhựa.
Mục tiêu của Phú Yên đến năm 2025 là nâng cao nhận thức và thay đổi được hành vi của cộng đồng về rác thải nhựa, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa và túi ni lông khó phân hủy, các sản phẩm, vật liệu nhựa không cần thiết thông qua các chương trình truyền thông về tác hại của chất thải nhựa đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người. Tăng cường phân loại rác thải tại nguồn, nâng cao hiệu quả quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải để hạn chế việc phát tán chất thải nhựa ra môi trường.
Cùng với đó, thực hiện quan trắc tài nguyên và môi trường, định kỳ đánh giá hiện trạng chất thải nhựa, rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông chính, khu vực ven biển, đảo tiền tiêu; tham gia hợp tác quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương. Kiểm soát được các điểm nóng về phát thải chất thải nhựa ra môi trường, xây dựng các giải pháp ứng phó theo hướng bền vững.