Nhóm 1% người giàu nhất thải lượng khí carbon gấp đôi so với 50% dân số thế giới
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 10:01, 22/09/2020
Nghiên cứu mới đây do Viện Môi trường Stockholm thực hiện theo yêu cầu của Oxfam – liên minh quốc tế gồm 20 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công – cho hay, 1% số người giàu nhất thế giới gây ra mức ô nhiễm khí thải carbon lớn hơn gấp đôi so với một nửa số dân nghèo nhất thế giới, tương đương 3,1 tỷ người.
Bất chấp sự sụt giảm đáng kể của số lượng khí phát thải trong thời gian xảy ra dịch covid-19, thế giới vẫn tiếp tục xu hướng tăng thêm vài độ C vào cuối thế kỷ 21, đẩy các quốc gia đang phát triển vào tình thế ngặt nghèo do ảnh hưởng thiên tai.
1% số người giàu nhất thế giới gây ra mức ô nhiễm khí thải carbon lớn hơn gấp đôi so với một nửa số dân nghèo nhất thế giới
Phân tích của Oxfam đã chỉ ra rằng, từ năm 1990 đến 2015, lượng khí thải hàng năm tăng 60%, và các quốc gia giàu có phải chịu trách nhiệm về việc làm cạn kiệt gần 1/3 ngân sách ứng phó với khí thải carbon của thế giới.
Giới khoa học cảnh báo “ngân sách carbon” này sẽ bị dùng hết trong vòng một thập kỷ với đà hiện tại. Báo cáo này cho rằng chính những người giàu đang lạm dụng “ngân sách carbon” của Trái Đất.
Theo đó, 10% người giàu nhất thế giới (tức 630 triệu người) phát thải bằng 52% lượng CO2 toàn cầu trong 25 năm qua, tức ngang ngửa với 90% còn lại của thế giới.
Với đà hiện tại, trong thập kỷ tới, lượng phát thải của 10% người giàu nhất sẽ đủ khiến nhiệt độ tăng 1,5 độ C (so với tiền công nghiệp), ngay cả khi toàn bộ dân số còn lại trên thế giới cắt phát thải xuống còn 0 ngay lập tức.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 cam kết các quốc gia phải hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp hóa.
Tuy nhiên, lượng khí thải vẫn tiếp tục tăng cao kể từ đó và một số phân tích đã cảnh báo rằng nếu nền kinh tế toàn cầu ưu tiên tăng trưởng xanh, cùng với việc giảm ô nhiễm do dịch COVID-19, quá trình biến đổi khí hậu sẽ chậm lại đáng kể.
Cho đến nay, cứ với 1 độ C ấm lên, Trái Đất phải đối mặt với những trận cháy rừng, hạn hán và siêu bão thường xuyên và dữ dội hơn do nước biển dâng cao hơn.
Chính phủ các nước đang phải đặt ra những thách thức song song là biến đổi khí hậu và bất bình đẳng phát thải carbon vào trọng tâm của bất kỳ kế hoạch phục hồi hậu COVID-19 nào.
Ngọc Anh