Ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP HCM ngày càng gia tăng lên mức "đáng lo ngại"

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 18:21, 14/11/2024

Ô nhiễm không khí tại tại Hà Nội và TP HCM ngày càng gia tăng đáng lo ngại, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân và ảnh hưởng đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 14/11, Bộ TN&MT, Ủy ban KHCN&MT của Quốc Hội và UBND TP Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam”.

Ô nhiễm không khí hiện nay là vấn đề ô nhiễm môi trường chính không chỉ ở Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, ô nhiễm không khí hiện nay là vấn đề ô nhiễm chính và được “Dư luận xã hội và người dân” Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Bộ trưởng nhấn mạnh, vấn đề ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm đã tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, thông số ô nhiễm không khí chính là bụi mịn kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet (PM 2,5).

bo-truong.jpg
Bộ trưởng TN&MT Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội nghị "Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam" (Ảnh: TRỌNG PHÚ)

Hiện nay, ô nhiễm không khí xảy ra có quy luật theo mùa và bị ảnh hưởng lớn từ điều kiện khí hậu, thời tiết. Thời gian cao điểm từ tháng 10 của năm trước đến tháng 3 của năm tiếp theo, tập trung từ nửa đêm đến sáng. Tuy nhiên, dữ liệu quan trắc của Bộ TN&MT cho thấy, diễn biến ô nhiễm không khí đã tăng dần theo thời gian, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế - xã hội đã có sự phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19.

"Thực tế này đòi hỏi phải thực hiện ngay các giải pháp tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển", Bộ trưởng TN&MT nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua các đơn vị, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường không khí nói riêng nhưng công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự đoàn kết vì mục tiêu chung.

"Ô nhiễm không khí không theo địa giới hành chính, đây là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không của riêng bộ, ngành, địa phương nào”, Bộ trưởng TN&MT nói.

5 nhóm giải pháp giảm thiểu, kiểm soát ô nhiễm không khí

Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” đã đưa ra các nhóm giải pháp để giảm thiểu, kiểm soát ô nhiễm không khí.

Các giải pháp này gồm:

Nhóm giải pháp về chính sách: gồm thuế, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; cho vay, hỗ trợ “chuyển đổi xanh”, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường.

Nhóm giải pháp kỹ thuật: Thực hiện chuyển đổi công nghệ của nhà máy nhiệt điện theo hướng sử dụng ít nguyên liệu, phát thải thấp; tăng tỷ lệ cây xanh đô thị; Thực hiện giải pháp kiểm kê, giám sát nguồn thải qua hệ thống quan trắc tự động, kết nối dữ liệu online. Đồng thời tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo chất lượng không khí…

Nhóm các giải pháp về quản lý: rà soát, có lộ trình di dời các cơ sở thuộc nhóm phát sinh khí thải lớn ra khỏi khu vực đô thị, khu dân cư tập trung; phân vùng để điều tiết hoạt động giao thông vào giờ cao điểm; kiểm soát thật chặt các hoạt động vận tải, vận chuyển vật liệu xây dựng; nghiên cứu giải pháp giao thông đi chung xe tại các đô thị lớn; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động đốt phụ phẩm nông nghiệp, đã đến lúc cần xử lý nghiêm các hành vi đốt rác thải, phụ phẩm nông nghiệp trái các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nhóm giải pháp về nguồn lực, kinh tế: đầu tư nguồn lực cho kiểm soát ô nhiễm các nguồn tác động đến chất lượng môi trường không khí, đặc biệt là biện pháp kỹ thuật về quan trắc môi trường, kiểm soát nguồn thải, bổ sung cây xanh, rửa đường...

Và cuối cùng là nhóm giải pháp về truyền thông, tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng…

Hoàng Thơ