Sáng nay, nồng độ PM2.5 tại Hà Nội cao gấp 15.9 lần ngưỡng cho phép

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 10:39, 15/11/2024

Sáng 15/11, chất lượng không khí ở mức không lành mạnh, người già, trẻ em, người bị bệnh về hô hấp nên hạn chế hoạt động ngoài trời để không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo dự báo thời tiết, khu vực Bắc Bộ trong đó có Thủ đô Hà Nội hôm nay (15/11) có sương mù về đêm và sáng sớm. Tầm nhìn xa giảm xuống từ 1-4km, đặc biệt vùng núi sương dày, tầm nhìn xa dưới 500m.

bui-min-11.jpg
Sáng nay, nồng độ PM2.5 tại Hà Nội cao gấp 15.9 lần ngưỡng cho phép

Theo IQ Air, chất lượng không khí Hà Nội sáng nay ở mức 168 US AQI, chất lượng không khí ở mức không lành mạnh. Chất gây ô nhiễm chính là nồng độ PM2.5.

Nồng độ PM2.5 tại Hà Nội hiện cao gấp 15.9 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.

Các nhóm đối tượng nhạy cảm (người già, trẻ em, người bị bệnh về hô hấp) nên hạn chế hoạt động ngoài trời để không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Dự báo đến trưa chiều, sương tan có nắng mạnh. Trời khá nóng với mức nhiệt cao nhất ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố trong khoảng từ 30-32 độ. Riêng Lào Cai 33 độ.

Thời tiết Trung Bộ cả ngày có nắng, đêm một vài nơi có mưa. Mức nhiệt cao nhất các thành phố dao động ở mức 30-33 độ.

Tại Nam Bộ cảnh báo triều cường lên cao trong 3 ngày tới, có thể gây ngập úng ở những vùng trũng thấp. Thời tiết ban ngày có nắng với mức nhiệt cao nhất 34 độ, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi.

Về tình hình trên biển, bão số 8 đã suy yếu thành vùng thấp trên vùng biển phía Tây Bắc của Bắc Biển Đông và tan dần. Ngoài ra, cơn bão Usagi ở phía Bắc đảo Luzon (Philippines) sẽ đi vào Đông Bắc Biển Đông sau đó đổi hướng đi về phía Đài Loan (Trung Quốc).

Khi chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu (AQI ở mức 151 - 200), người dân hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; nếu phải làm việc, hoạt động ngoài trời nên bố trí, lựa chọn thời điểm ít bị ô nhiễm trong ngày, cần nghỉ ngơi nhiều hơn, thực hiện các hoạt động với cường độ vừa phải.

Người dân tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Đồng thời, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực bị ô nhiễm không khí; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường.

Đối với những người nhạy cảm (người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh về đường hô hấp…), tránh các hoạt động ngoài trời hoặc các hoạt động vận động cần gắng sức; vận động, tập thể dục trong nhà; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ; theo dõi sức khoẻ, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.

Hoàng Thơ