Quảng Nam có 93 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở

Môi trường đô thị - Ngày đăng : 08:30, 16/11/2024

Theo Đề án phòng chống thiên tai của tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh có đến 93 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tập trung ở miền núi, ven sông, ven biển. Trong đó, nguy cơ rủi ro sạt lở đất đối với người dân ở khu vực miền núi đang ở mức báo động cao.
Môi trường đô thị

Quảng Nam có 93 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở

Minh Phúc 16/11/2024 08:30

Theo Đề án phòng chống thiên tai của tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh có đến 93 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tập trung ở miền núi, ven sông, ven biển. Trong đó, nguy cơ rủi ro sạt lở đất đối với người dân ở khu vực miền núi đang ở mức báo động cao.

Những đợt mưa kéo dài khiến nhiều ngôi làng, khu dân cư và cả trụ sở hành chính các huyện miền núi Quảng Nam đối mặt với nguy cơ sạt lở...

Tại trung tâm hành chính huyện vùng cao Nam Trà My, nơi làm việc của hàng trăm cán bộ, nhân viên cũng đang đối mặt với nguy cơ sạt lở đất rất lớn... Khu vực trọng yếu này đã xuất hiện hàng chục vết nứt, ngày càng trở nên nguy hiểm hơn.

quang-nam.jpg
Ảnh minh họa


Sau đợt mưa bão năm 2020, một phần quả đồi nằm sau lưng trụ sở cơ quan Thi hành án huyện Nam Trà My đã bị sạt lở. Khu vực này hiện đã được kè chắn, tuy nhiên, một loạt trụ sở làm việc khác, gồm Huyện ủy, Ủy ban nhân dân, Tòa án... vẫn đang nằm trong vùng nguy hiểm.

Mới nhất, một vết nứt phía sau trụ sở Công an huyện rộng đến 1,8m; độ sâu quan sát được khoảng 1,5 - 2m nên khi có mưa lớn nguy cơ xảy ra trượt lở đất là rất cao.

Trước diễn biến thiên tai ngày càng khốc liệt, ngày 4/10/2024, UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 7558 về việc tiếp tục rà soát, tăng cường tổ chức thực hiện công tác phòng, chống thiên tai.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, chủ tịch UBND cấp huyện theo chức năng quản lý nhà nước được phân công và địa bàn quản lý, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục rà soát thực hiện đầy đủ nội dung, nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tại các văn bản đã ban hành.

Chủ tịch UBND các huyện miền núi tập trung rà soát, xác định, thống kê khu vực nguy hiểm để cảnh giới, cảnh báo; chủ động sớm phương án tổ chức di dời người, phương tiện, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay, thì phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Ngoài sản phẩm hiện trạng sạt lở đất đá thuộc đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” - Khu vực tỉnh Quảng Nam do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Bộ TN-MT chuyển giao, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Một số giải pháp dự báo, cảnh báo sớm và phòng chống sạt lở đất phục vụ bố trí dân cư ở 3 huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam”. Nhiệm vụ này đã nghiệm thu, tạm chuyển giao tại Quyết định số 2145, ngày 9/10/2023, Sở NN&PTNT đã chuyển cho các địa phương, đơn vị liên quan tại Công văn số 3043 ngày 10/11/2023.

Các vị trí điểm sạt trượt tại huyện Nam Trà My gồm: làng Tăk Chay (thôn 5, Trà Cang), làng Lăng Lương (thôn 1, Trà Tập), khu trung tâm hành chính huyện thuộc thôn 1, xã Trà Mai và khu dân cư, trường học tại làng Tăk Pong, thôn 1 xã Trà Linh; huyện Tây Giang: thôn H’juh, xã Ch’Ơm; huyện Nam Giang: thôn 56B xã Đắc Pre... nằm trong các vùng có cảnh báo nguy cơ sạt lở theo các đề tài, nhiệm vụ nêu trên.

Tuy nhiên, hiện nay nguy cơ rủi ro sạt lở đất đối với người dân ở khu vực miền núi, ven sông, ven biển rất cao, trong khi điều kiện sắp xếp dân cư còn rất khó khăn. Do vậy, đề nghị UBND các huyện rà soát theo các đề tài, nhiệm vụ nói trên, chỉ đạo phòng ban, UBND xã rà soát, lập phương án sắp xếp, ổn định dân cư cho các hộ dân chịu ảnh hưởng theo Nghị quyết số 23, ngày 22/7/2021 của HĐND tỉnh về quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư miền núi Quảng Nam, giai đoạn 2021 - 2025.

Minh Phúc