Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, 3 quốc đảo Thái Bình Dương có nguy cơ bị nhấn chìm vào năm 2070
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:00, 17/11/2024
Kiribati, Tuvalu và quần đảo Marshall là một trong số những quốc đảo xa xôi và phân tán nhất trên thế giới; trải dài trên 6,4 triệu km2.
Trong một báo cáo được công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, nếu mực nước biển dâng cao thêm 0,5m, ba quốc đảo Thái Bình Dương này sẽ bị thiệt hại gần 10 tỷ USD.
Cùng với đó, báo cáo của WB cũng nhận định: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, gần 1/3 dân số của Kiribati và Tuvalu có nguy cơ rơi vào cảnh đói nghèo nghiêm trọng do “những cú sốc về khí hậu”, như lũ lụt ven biển.
Đặc biệt, trong trường hợp nước biển Thái Bình Dương tiếp tục dâng cao thêm 0,5m, đại dương sẽ nhấn chìm phần lớn cả 3 quốc đảo này.
WB cảnh báo, trong trường hợp xấu nhất hiện thực trên có thể xảy ra ngay năm 2050 hoặc muộn hơn, vào năm 2070. Do đó, các Chính phủ cần hành động theo các kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu từ ngay hiện tại.
WB cho biết thêm, hiện các quốc đảo san hô khu vực Thái Bình Dương cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn tài trợ cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngân hàng Thế giới dẫn chứng: Trong trường hợp nước biển dâng cao thêm 0,5m, chi phí để xây dựng đê chắn sóng ở các đô thị, nâng cao nhà cửa và di dời người dân các vùng ảnh hưởng vào sâu đất liền tại 3 quốc đảo kể trên có thể lên tới hàng tỷ USD. (3,7 tỷ USD với Kiribati; 1 tỷ USD với Tuvalu và 5 tỷ USD với quần đảo Marshall).
“Ước tính trên không bao gồm chi phí cho các biện pháp thích ứng khí hậu khác trong hệ thống y tế, giáo dục… Điều này đã tương đương với khoảng 20 năm GDP hiện tại của 3 quốc đảo này”, WB thông tin.