Quảng Bình tăng cường, siết chặt quản lý nhà nước về khoáng sản

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 13:30, 17/11/2024

Quảng Bình siết chặt công tác quản lý nhà nước về khoáng sản nhằm giảm thiểu rủi ro, nguy cơ thất thoát tài nguyên, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản.
Môi trường - Tài nguyên

Quảng Bình tăng cường, siết chặt quản lý nhà nước về khoáng sản

Hoàng Thơ 17/11/2024 13:30

Quảng Bình siết chặt công tác quản lý nhà nước về khoáng sản nhằm giảm thiểu rủi ro, nguy cơ thất thoát tài nguyên, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản.

Tỉnh Quảng Bình vừa ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường, siết chặt công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn trong bối cảnh hoạt động khai thác khoáng sản vẫn còn xảy ra sai phạm.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các sở liên quan, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường nâng cao chất lượng công tác thẩm định đề án thăm dò khoáng sản, công tác giám sát thi công công trình thăm dò khoáng sản, thẩm định hồ sơ.

Đồng thời, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trữ lượng, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo đúng quy định pháp luật.

ximang_quangbinh.jpg
Quảng Bình tăng cường, siết chặt công tác quản lý nhà nước về khoáng sản

Sở Tài nguyên và Môi trường còn có trách nhiệm tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhận thức pháp luật của doanh nghiệp nhằm hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản.

Đặc biệt là hành vi khai thác không đúng nội dung giấy phép theo quy định như: khai thác vượt công suất, vượt trữ lượng, vượt ngoài ranh giới giấy phép khai thác khoáng sản...

Các ngành, địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản; rà soát các khu vực mỏ đã khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản không còn phù hợp để đưa ra khỏi khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản tại tỉnh Quảng Bình đã được tăng cường, công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã được chú trọng triển khai. Việc thẩm định hồ sơ cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng, khai thác khoáng sản đảm bảo theo quy định của Luật Khoáng sản.

Tuy nhiên, qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, cơ quan chức năng vẫn phát hiện các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, khai thác vượt trữ lượng, công suất, khai thác ngoài diện tích được cấp phép, gây thất thoát tài nguyên, thất thu thuế.

Gần đây, Công an tỉnh Quảng Bình có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng vi phạm quy định về khai thác tài nguyên xảy ra tại huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh.

Hai doanh nghiệp đã có hành vi khai thác vượt ra ngoài phạm vi được cấp phép hơn 170.000m3 khoáng sản; tổng giá trị khoáng sản bị khai thác trái phép hơn 21 tỉ đồng.​

Theo Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hoạt động khai thác khoáng sản ở nước ta đã và đang gây nhiều tác động xấu đến môi trường xung quanh.

Biểu hiện rõ nét nhất là việc sử dụng thiếu hiệu quả các nguồn khoáng sản tự nhiên; tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường; tích tụ hoặc phát tán chất thải; làm ảnh hưởng đến sử dụng nước, ô nhiễm nước, tiềm ẩn nguy cơ về dòng thải axit mỏ... Những hoạt động này đang phá vỡ cân bằng điều kiện sinh thái được hình thành từ hàng chục triệu năm, gây ô nhiễm nặng nề đối với môi trường.

Các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản quy mô nhỏ đang diễn ra khá phổ biến ở nước ta. Do vốn đầu tư của các doanh nghiệp này hạn chế, khai thác bằng phương pháp thủ công, bán cơ giới, công nghệ lạc hậu và nhất là chạy theo lợi nhuận, ý thức chấp hành luật pháp chưa cao nên các chủ cơ sở ít quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, để lại nhiều hậu quả xấu đến môi trường. Bên cạnh đó, không ít các công ty hoạt động không tuân thủ dự án, thiết kế và báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc bản cam kết được duyệt.

Hoàng Thơ