Số ca mắc bệnh sởi tại Châu Âu gia tăng đột biến

Y tế - Ngày đăng : 18:00, 17/11/2024

Theo chuyên gia, sự gia tăng đáng kể số ca mắc bệnh sởi là hệ quả của việc trẻ em trên toàn cầu không được tiêm vaccine đầy đủ.

Theo một báo cáo gần đây từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC), từ tháng 9/2023 đến tháng 8/2024, 30 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và Khu vực kinh tế châu Âu ghi nhận hơn 18.000 ca mắc sởi.

Trong đó, Romania là quốc gia có số ca mắc bệnh cao nhất EU, với hơn 14.000 ca được báo cáo trong giai đoạn này.

soi.jpg
Số ca mắc bệnh sởi tại Châu Âu gia tăng đột biến

Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), số ca mắc bệnh sởi tại khu vực châu Âu đã tăng hơn 200% trong năm 2023.

Cụ thể, khu vực này ghi nhận hơn 306.000 ca mắc bệnh, tăng mạnh so với con số khoảng 99.700 ca vào năm 2022. Sự gia tăng đột biến này diễn ra trong bối cảnh dịch sởi bùng phát trên toàn cầu, với tổng cộng 10,3 triệu ca mắc bệnh sởi được ghi nhận trong năm qua, tăng 20% so với năm 2022.

Mặc dù số ca mắc bệnh tại châu Âu tăng mạnh, tỷ lệ vẫn tương đối thấp so với các khu vực khác. Châu Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với ước tính khoảng 4,8 triệu ca mắc bệnh sởi trong năm 2023, chiếm gần một nửa tổng số các đợt bùng phát lớn và nghiêm trọng. Đông Nam Á là khu vực đứng thứ hai với khoảng 2,9 triệu ca mắc bệnh sởi.

Sởi là một loại virus rất dễ lây lan và chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em. Tuy nhiên, bệnh này có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng hai liều vaccine. Dù vậy, tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu vẫn chưa đạt mức cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh.

Theo báo cáo, chỉ 83% trẻ em trên toàn cầu được tiêm liều vaccine sởi đầu tiên vào năm 2023, và dưới 75% được tiêm liều thứ hai. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 95% cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

WHO và CDC cho biết kể từ năm 2000, chương trình tiêm chủng vaccine sởi đã ngăn ngừa được 60,3 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Tuy nhiên, sự chững lại trong tỷ lệ tiêm chủng đã dẫn đến tình trạng 22 triệu trẻ em bỏ lỡ liều vaccine sởi đầu tiên vào năm 2023.

Tiến sĩ Natasha Crowcroft, cố vấn cấp cao về bệnh sởi và rubella tại WHO, cho biết: “Sự gia tăng đáng kể số ca bệnh là hệ quả của việc trẻ em trên toàn cầu không được tiêm vaccine đầy đủ. Trong khi đó, loại vaccine sởi có sẵn ở mọi quốc gia”.

Theo tiến sĩ Crowcroft, phần lớn các trường hợp trẻ em không được tiêm phòng đến từ những quốc gia có thu nhập thấp hoặc những vùng đang chịu ảnh hưởng bởi xung đột. Đây cũng là những nơi nguy cơ tử vong do bệnh sởi ở mức cao nhất. Bà nhấn mạnh cần có nỗ lực toàn cầu mạnh mẽ hơn để đạt tỷ lệ bao phủ tiêm chủng 95% nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Để ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai, WHO và CDC kêu gọi các quốc gia tăng cường chương trình tiêm chủng và ưu tiên các biện pháp nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của vaccine sởi. Điều này đặc biệt cần thiết tại những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp hoặc đang đối mặt với xung đột và khủng hoảng kinh tế.

Dịch bệnh không chỉ là mối đe dọa đối với sự sống của con người mà còn tác động tiêu cực đến môi trường. Dưới đây là những tác động chính:

1. Tăng chất thải độc hại

Đối mặt với dịch bệnh, việc gia tăng sử dụng trang thiết bị bảo hộ cá nhân, việc vứt bỏ chúng bừa bãi và một lượng lớn chất thải bệnh viện là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường.

2. Gia tăng chất thải nhựa

Cùng với chất thải y tế, dịch bệnh còn thúc đẩy nhu cầu mua sắm trực tuyến và giao hàng tận nhà, điều này cuối cùng làm tăng lượng chất thải nhựa từ các vật liệu đóng gói để vận chuyển.

3. Ô nhiễm đất, nước, khí hậu

Dịch bệnh không chỉ đe dọa sự sống con người mà còn tăng chất thải đô thị đồng thời gây gián đoạn trong công tác xử lý. Việc gián đoạn các hoạt động quản lý rác thải đô thị thông thường cũng như các hoạt động thu hồi và tái chế chất thải làm gia tăng việc chôn lấp và các chất ô nhiễm môi trường trên toàn thế giới gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và đất đai.

Hoàng Thơ