Đêm nay, đại trận mưa sao băng sẽ xuất hiện tại Việt Nam
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:30, 17/11/2024
Đêm nay, đại trận mưa sao băng sẽ xuất hiện tại Việt Nam
Mưa sao băng Leonids Leonids thực ra đã rơi từ ngày 6/11 nhưng sẽ đạt cực đại vào đêm ngày 17/11, rạng sáng ngày 18/11.
Theo công cụ của trang Time and Date, mưa sao băng Leonids - có nguồn gốc từ chiếc đuôi đá bụi của sao chổi Tempel-Tuttle - sẽ đạt cực đại vào đêm 17/11, rạng sáng 18/11 theo góc quan sát được định vị tại TP HCM.
Leonids là một trong những trận mưa sao băng mà các nhà thiên văn học trông chờ nhất năm, bởi tính bất ổn của nó.
Vào thời gian cực điểm, trận mưa sao băng này dự kiến sẽ tạo ra khoảng 15 vệt mỗi giờ. Tuy nhiên, giá trị này được tính trên giả định bầu trời tối hoàn toàn và tâm điểm nằm cao trên đỉnh đầu. Trên thực tế, con số mà bạn quan sát thấy sẽ thấp hơn nhiều, đặc biệt với sự cản trở của ánh Trăng sáng thì năm nay, số lượng sao băng mà bạn có thể nhìn thấy mỗi giờ chỉ khoảng trên dưới 10 vệt.
Tâm điểm nằm trong chòm sao Leo (Sư tử) sẽ mọc lên bầu trời từ sau nửa đêm ở hướng Đông và cao nhất trên bầu trời khi bình minh đến.
Để quan sát mưa sao băng, hãy tìm về những khu vực tối trời, tránh xa ánh sáng đô thị, tốt nhất là khu vực ngoại thành hoặc nông thôn. Trước khi quan sát, để mắt nghỉ ngơi trong bóng tối khoảng 30 phút.
Sẽ có một cản trở lớn trong lần quan sát này, đó là "siêu trăng hải ly" của tháng 11 vẫn còn khá to và sáng trên bầu trời, sau khi đạt độ tròn tuyệt đối rạng sáng 16/11.
Đây là trận mưa sao băng thứ 3 mà người Trái Đất có cơ hội chiêm ngưỡng trong tháng 11, sau Nam Taurids và Bắc Taurids.
Theo NASA, Leonids có thể gây bão sao băng ít nhất 33 năm một lần. Bão sao băng xảy ra khi có ít nhất 1.000 ngôi sao băng lao qua bầu trời mỗi phút.
Trong vài thập kỷ gần đây, cơn bão sao băng khủng khiếp nhất được ghi nhận năm 1966, với hàng ngàn ngôi sao băng lao qua bầu trời mỗi phút, liên tục trong vòng 15 phút. Vào các năm 1999, 2001, 2022, Leonids cũng gây bão sao băng với vài ngàn ngôi sao băng mỗi giờ.
Bão sao băng rõ rệt nhất thường xảy ra 1 năm sau các chuyến viếng thăm mỗi 33 năm của sao chổi Tempel-Tuttle. Vật thể băng giá này có quỹ đạo rất rộng, mỗi 33 năm mới đạt đến điểm cận nhật (điểm gần Mặt Trời nhất) một lần, đồng nghĩa với việc lướt qua địa cầu với khoảng cách gần và có thể được quan sát.
Theo dự đoán, bão sao băng của Leonids sẽ không xuất hiện cho tới năm 2033. Điều đó có nghĩa là Leonids năm nay chỉ là một mưa sao băng trung bình với mật độ chỉ khoảng 20 tới tối đa là 30 sao băng mỗi giờ ở cực điểm ngay cả khi quan sát trong điều kiện thuận lợi nhất.