Hải Dương: Đẩy mạnh quan trắc xâm nhập mặn để bảo vệ sản xuất

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 16:30, 18/11/2024

Nhằm bảo vệ sản xuất, tỉnh Hải Dương đang đẩy mạnh quan trắc xâm nhập mặn và vận hành hệ thống công trình thủy lợi kiểm soát mặn.
Tài nguyên và phát triển

Hải Dương: Đẩy mạnh quan trắc xâm nhập mặn để bảo vệ sản xuất

Thanh Thanh 18/11/2024 16:30

Nhằm bảo vệ sản xuất, tỉnh Hải Dương đang đẩy mạnh quan trắc xâm nhập mặn và vận hành hệ thống công trình thủy lợi kiểm soát mặn.

Mặc dù chưa bước vào mùa khô nhưng tình trạng xâm nhập mặn đã xuất hiện ở một số tuyến sông thuộc địa phận huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà (Hải Dương). Theo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Hải Dương, từ đầu tháng 11 đến nay, độ mặn thực đo được tại các cửa sông có nhiều ngày đều vượt mức cho phép.

Cụ thể, ngày 14/11, độ mặn đo được của nước sông dao động từ 1‰-3‰ tại một số cửa cống hạ lưu sông Thái Bình, sông Luộc thuộc địa phận huyện Tứ Kỳ và sông Mía, sông Rạng thuộc địa phận huyện Thanh Hà.

Trước đó, độ mặn của nước sông Thái Bình tại cửa cống chợ Dậu thuộc địa phận xã Quang Trung (Tứ Kỳ) đo được lúc 7 giờ ngày 2/11 là 2,5‰; độ mặn nước sông Luộc tại cửa cống Lều Vịt ở xã Nguyên Giáp (cùng huyện Tứ Kỳ) lúc 7 giờ ngày 3/11 là 2‰. Tại huyện Thanh Hà, lúc 7 giờ ngày 2/11, độ mặn của nước sông Mía đo được tại cống Thuần A là 5,3‰; độ mặn của nước sông Rạng tại cống sông Hương là 1,8‰.

Tình trạng xâm nhập mặn với độ mặn ngày càng tăng gây ảnh hưởng đến chất lượng nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh kinh tế trên địa bàn các huyện, thị xã vùng hạ lưu, đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực Cầu Xe, An Thổ (Tứ Kỳ), khu vực Hà Đông (Thanh Hà).

capture(6).png
Hải Dương đẩy mạnh quan trắc xâm nhập mặn để bảo vệ sản xuất

Nhằm bảo vệ sản xuất và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại của xâm nhập mặn, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đề nghị Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh chủ động quan trắc xâm nhập mặn; vận hành hệ thống công trình thủy lợi kiểm soát mặn; xây dựng, cập nhật, bổ sung phương án, kế hoạch phòng chống, ứng phó.

UBND các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành và thị xã Kinh Môn phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi thường xuyên theo dõi tình trạng xâm nhập mặn. Chỉ đạo tổ chức khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn xác định các cống lấy nước có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chủ động vận hành kiểm soát mặn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước (hướng dẫn kỹ thuật, thời vụ, giống cây trồng, thủy sản...) để phòng chống, ứng phó phù hợp, bảo đảm an toàn, thích ứng với xâm nhập mặn trong sản xuất nông nghiệp.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh theo dõi, đo đạc và cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai khi có xâm nhập mặn xảy ra trên địa bàn tỉnh, báo cáo kịp thời với lãnh đạo tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND các huyện, thị xã để chủ động trong công tác chỉ huy, chỉ đạo, ứng phó khắc phục hậu quả do xâm nhập mặn gây ra.

Hiện nay, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Hải Dương đang duy trì 17 điểm đo kiểm soát độ mặn tại nhiều cửa cống trên các sông: Hàn Mấu, Đá Vách, Kinh Thầy (Kinh Môn); Rạng, Mía (Thanh Hà); Lạch Tray (Kim Thành); Luộc, Thái Bình (Tứ Kỳ). Việc kiểm soát độ mặn sẽ được duy trì thường xuyên từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Việc này giúp kiểm soát, điều tiết nước phục vụ sản xuất an toàn hơn.

Tình trạng xâm nhập mặn đang gây ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt ở các vùng ven biển và đồng bằng hạ lưu sông. Nước mặn tràn vào các khu vực nước ngọt làm thay đổi hệ sinh thái, khiến nhiều loài thủy sinh không thể thích nghi và suy giảm số lượng. Đất đai bị nhiễm mặn làm giảm độ phì nhiêu, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đặc biệt là các loại cây lương thực.

Ngoài ra, xâm nhập mặn còn làm cạn kiệt nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, đẩy người dân vào tình trạng thiếu nước, phải phụ thuộc vào nguồn nước mua từ bên ngoài. Những tác động này không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn đe dọa sự bền vững của hệ sinh thái và đời sống con người.

Thanh Thanh