Cà Mau: Rác thải thủy tinh trở thành thách thức lớn, tác động tiêu cực tới môi trường
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 14:00, 19/11/2024
Cà Mau: Rác thải thủy tinh trở thành thách thức lớn, tác động tiêu cực tới môi trường
Tại TP Cà Mau, tình trạng đổ trộm rác thải thủy tinh vẫn còn xảy ra, gây mất mỹ quan đô thị và dễ có nguy cơ xảy ra thương tích.
Với đặc tính không thể phân hủy trong tự nhiên ở điều kiện thông thường, tỷ lệ tái chế thấp, rác thải thủy tinh đang là thách thức lớn, gây tác động tiêu cực tới môi trường.
Dạo một vòng các phường tại TP Cà Mau, không khó để bắt gặp những đống rác ven đường, lẩn khuất trong đó là những mảnh kính sắc nhọn, mảnh thủy tinh bị vứt trộm. Rác thủy tinh xuất hiện nhan nhản, tập trung nhiều ở những nơi công cộng, như lề đường, gốc cây xanh; hoặc để đảm bảo không ai để ý thì nhiều người lại cho vào bao, tìm những bụi cỏ rậm rạp để vứt.
Trong bối cảnh thế giới đối mặt với khủng hoảng rác thải, rác thải thủy tinh nổi lên như một vấn đề nhức nhối. Với đặc tính không phân hủy sinh học và khả năng tồn tại hàng ngàn năm, thủy tinh đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng về môi trường nếu không được xử lý đúng cách.
Thủy tinh thường nổi bật bởi tính bền bỉ và khả năng tái chế 100%. Tuy nhiên, sự bền vững này cũng chính là điểm yếu nếu nó không được tái chế. Theo các nghiên cứu, một chai thủy tinh có thể tồn tại nguyên vẹn hơn 4.000 năm trong điều kiện tự nhiên. Khi bị thải bỏ bừa bãi, thủy tinh không chỉ làm mất mỹ quan mà còn gây nguy hiểm cho động vật và con người.
Mảnh vỡ thủy tinh ở các bãi rác và khu vực ven biển có thể gây tổn thương trực tiếp đến các loài động vật. Hơn nữa, thủy tinh màu, được sản xuất với các chất phụ gia hóa học, có nguy cơ làm ô nhiễm đất và nguồn nước.
Rác thải thủy tinh không chỉ gây áp lực lên các bãi rác mà còn tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Tại nhiều khu vực ven biển, những mảnh vỡ thủy tinh bị sóng biển mài mòn đã trở thành một phần của các bãi cát, làm thay đổi cấu trúc tự nhiên.
Ở khía cạnh kinh tế, việc xử lý và tái chế thủy tinh không hiệu quả khiến các doanh nghiệp phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu mới. Điều này không chỉ lãng phí tài nguyên mà còn làm tăng chi phí sản xuất.
Bên cạnh đó, nhu cầu thu gom phế liệu thủy tinh lại thấp hơn các loại vật liệu khác, vì chi phí thu gom lớn, vận chuyển khó khăn, gây nguy hiểm. Cứ thế, số lượng rác thải thủy tinh từ các hộ gia đình tồn đọng càng nhiều, khi thải ra sẽ trở thành gánh nặng cho môi trường.