Nghị viện châu Âu ủng hộ cắt giảm 60% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 03:30, 09/10/2020
Nghị viện châu Âu (EP) mới đây đã bỏ phiếu ủng hộ mục tiêu cắt giảm 60% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 đối với các thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Mục tiêu vừa được EP thông qua mang nhiều tham vọng hơn mức cắt giảm khí thải ròng ít nhất 55% vào năm 2030 do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất và mong muốn hoàn thành vào cuối năm nay.
Mục tiêu phát thải này có thể đạt được bằng cả hai cách là cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong các lĩnh vực như công nghiệp, sản xuất điện năng và tăng cường trồng rừng hoặc đưa vào khai thác các công nghệ thu giữ carbon nhằm loại bỏ việc thải khí độc hại ra ngoài môi trường.
Châu Âu vốn được coi là hình mẫu trong nỗ lực cắt giảm khí thải
Các Bộ trưởng Môi trường của Hy Lạp, Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Đức, đã từng đồng loạt lên tiếng kêu gọi các nước láng giềng cùng thuộc châu Âu tăng cường các nỗ lực trong cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu bằng cách chấp nhận xem xét lại quyết định nâng cao mục tiêu của EU về giảm thiểu lượng khí thải CO2 gây ô nhiễm. 7 nước châu Âu đề xuất vượt qua mục tiêu 20% để tiến tới con số 30%.
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố lộ trình xây dựng một nền kinh tế có lượng khí thải carbon thấp vào năm 2050, trong đó đề xuất đến năm 2050 sẽ cắt giảm tới 80-95% lượng khí thải so với mức của năm 1990. Dựa trên các kết quả của một mô hình kinh tế toàn diện, EC cho biết EU cần đạt được mức cắt giảm 40% và 60% lượng khí thải so với mức của năm 1990 lần lượt vào các năm 2030 và 2040 nhằm thực hiện được mức giảm 80% vào năm 2050. EC kêu gọi tất cả lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải, cùng góp sức để thực hiện mục tiêu trên. EC cũng đề nghị EU cần nâng mục tiêu cắt giảm khí thải năm 2020 lên 25%, thay vì tỷ lệ 20% được nhất trí hiện nay.
Các chuyên gia cho rằng việc cắt giảm 55% khí thải vào năm 2030 là nỗ lực tối thiểu cần thiết để đưa EU đi đúng kế hoạch về khí thải carbon vào năm 2050 và giúp kiềm chế tình trạng nóng lên trên toàn cầu ở mức an toàn.
Ngọc Ánh (t/h)