Dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp
Y tế - Ngày đăng : 14:24, 19/11/2024
Khoảng 1/3 số ca nhiễm HIV mới ở Việt Nam là người trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 24. Đặc biệt, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và người chuyển giới (TG) gia tăng đáng kể.
Tại buổi gặp mặt báo chí nhân Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12) do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức vào chiều 18/11, PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2024, hơn 68% trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện tại đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TPHCM. Lây truyền qua đường tình dục tiếp tục chiếm trên 80% các ca mới, phản ánh sự dịch chuyển trong đường lây nhiễm.
Hơn 80% người nhiễm HIV mới là nam giới
Đáng nói khi nhóm tuổi 15-29 chiếm tỉ lệ lớn trong số ca nhiễm mới, và hơn 80% người nhiễm HIV mới phát hiện là nam giới. Đặc biệt, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới đang gia tăng đáng kể.
Ngoài ra, xu hướng lây nhiễm ở các tỉnh không phải trọng điểm cũng bắt đầu gia tăng, kèm theo các hành vi nguy cơ phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, "chemsex" (dùng chất khi quan hệ tình dục) và quan hệ tình dục tập thể.
Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, ước tính có hơn 267.000 người nhiễm HIV trên cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 11.421 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.263 trường hợp tử vong. Năm 2023, cả nước ghi nhận 13.445 trường hợp dương tính HIV mới, 1.623 ca tử vong.
Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV đầu năm đến nay có 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu từ 15 - 29 (40%) và 30 - 39 (27,3%). Số người nhiễm từ 15 -29 tuổi tăng từ 32% năm 2016 lên 39,4% năm 2024. Bên cạnh đó đối tượng chiếm tỉ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới (42,2%).
Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỉ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% năm 2010, xuống còn 6,5% tháng 9/2024. Tỉ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính khi tăng từ 47,5% năm 2010 lên 70,8% vào tháng 9/2024. Tỉ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nam nghiện chích ma túy (khoảng 12%) và nhóm phụ nữ bán dâm (dưới 5%) có xu hướng ổn định qua các năm.
Tỉ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM có xu hướng tăng rất nhanh trong thời gian qua (tỉ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM trong giám sát trọng điểm HIV tăng từ 7,4% năm 2016 lên 12,5% năm 2022).
"HIV/AIDS vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong những năm gần đây, hình thái lây nhiễm HIV thay đổi rõ rệt từ lây truyền qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy sang lây truyền qua đường tình dục. Nhóm MSM liên tục chiếm tỉ lệ cao trong số mới phát hiện hằng năm (trên 40%). Kết quả ước tính và dự báo cũng cho thấy MSM là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam", lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia để ngăn chặn xu hướng gia tăng nhanh chóng của dịch HIV trong nhóm MSM và những người có hành vi nguy cơ cao, việc mở rộng điều trị PrEP trên toàn quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Về địa bàn, theo khảo sát các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện chủ yếu ở khu vực phía Nam và các thành phố lớn - nơi có nhiều khu công nghiệp, trường đại học. Đây là nơi tập trung kinh tế, văn hóa, giáo dục nên dân cư đổ về làm việc, học tập đông, dễ xảy ra các hành vi nguy cơ làm lây nhiễm HIV.
Đặc biệt khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 70% số người nhiễm HIV mới phát hiện trong 9 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên trong những năm gần đây, các số liệu cảnh báo dịch cho thấy các khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đang tiềm ẩn các nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm HIV.
Kết quả các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, nhóm người chuyển giới nữ cũng là một trong những nhóm được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV với tỉ lệ hiện nhiễm HIV tại Hà Nội là 5,8% năm 2022. Tại TP.HCM tỉ lệ này là 6,8% năm 2004 tăng lên 18% năm 2016 và 16,5% năm 2020.
Tại cuộc gặp mặt báo chí, ông Raman Hailevich, Giám đốc Quốc gia Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV như số nhiễm mới giảm khoảng 60% kể từ năm 2010, vượt xa mức giảm trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và cao hơn nhiều so với mức giảm 39% của thế giới.
"Nhưng ngay cả với những tiến bộ liên tục và vững chắc này, vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước. Khoảng 1/3 số ca nhiễm HIV mới ở Việt Nam là người trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 24. Sự thiếu hiểu biết về HIV, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với HIV vẫn đang tiếp tục cản trở việc tiếp cận các dịch vụ. Và điều này không phải chỉ là khó khăn thách thức của riêng Việt Nam", ông Raman Hailevich lưu ý.
Theo ông Raman Hailevich, chủ đề của chiến dịch Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm nay là "Hãy chọn con đường bảo vệ Quyền" là một lời nhắc nhở rằng để có thể bảo vệ sức khỏe của người dân, chúng ta cần phải bảo vệ quyền; và thế giới có thể kết thúc dịch bệnh AIDS – nếu quyền của mọi người dân đều được bảo đảm".
Virus HIV sống được bao lâu ngoài môi trường?
Theo các chuyên gia y tế, HIV tồn tại rất lâu trong cơ thể người, nhưng khi ra môi trường bên ngoài thì thời gian sống sót của HIV sẽ thay đổi. Theo nhiều nghiên cứu, virus không thể tồn tại dưới nhiệt độ cao trên 60 độ C. Chúng có thể tồn tại khoảng 30 phút khi bị ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp với nhiệt độ không quá cao, và bị tiêu diệt ngay lập tức bởi nhiệt độ cực nóng. Nếu giọt máu có chứa HIV rơi xuống mặt đường nắng nóng thì virus sẽ chết ngay. Trong trường hợp giọt máu ở không gian tối, HIV có thể sống từ 48 tiếng đến 1 tuần.
Trong môi trường nước, HIV có thể sống sót khoảng 1 – 2 tiếng sau khi dịch cơ thể hoặc máu nhiễm bệnh được pha loãng với nước nhưng lượng virus sẽ giảm đi đáng kể và không đủ khả năng lây nhiễm.
HIV không tồn tại lâu trên bề mặt quần áo do quá khô. Virus có thể sống sót trong vài giờ, sau đó bị bất hoạt nếu máu hoặc dịch cơ thể dính vào quần áo và khô đi. Do đó, nguy cơ lây nhiễm HIV từ quần áo là cực kỳ thấp. Ngay cả khi có máu tươi trên quần áo thì việc lây truyền cũng rất khó xảy ra, trừ khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với máu tươi.
Cách phòng tránh khi máu và dịch cơ thể chứa HIV xuất hiện ngoài môi trường
Các chuyên gia y tế hướng dẫn cách khử trùng và ngăn ngừa nhiễm HIV như sau:
-Cảnh báo cách ly và giới hạn tiếp xúc với khu vực bị nhiễm cho đến khi hoàn tất việc vệ sinh, khử trùng.
-Sử dụng chất khử trùng chuyên dụng như cồn nồng độ tối thiểu 70%, Chlorine 0,5%, hoặc Javen. Khử trùng trong thời gian tối thiểu là 20 phút.
-Sử dụng găng tay cao su và kẹp gắp khi dọn rác thải có dính máu/dịch cơ thể nhiễm HIV. Sau đó, gắp đồ thải vào 2 lớp túi nilon nguyên vẹn. Tiếp đến đổ cồn nồng độ cao, Chlorine 0,5%, hoặc Javen vào túi nilon, ngâm khoảng 20 – 30 phút, cột kín lại, và bỏ vào thùng rác.
-Sau khi khử trùng cần chú ý theo dõi sức khỏe thường xuyên. Nếu có những dấu hiệu hoặc triệu chứng của HIV cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất để làm xét nghiệm kiểm tra. Một số triệu chứng HIV giai đoạn đầu thường là sốt, tiêu chảy, nôn mửa, đau đầu, đau nhức cơ thể…
-Nếu không thể tự khử trùng, cần cảnh báo cách ly và giới hạn tiếp xúc với khu vực nhiễm HIV. Sau đó, báo ngay với bộ phận quản lý hoặc trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ làm sạch và khử trùng.