Hơn 14 triệu tấn rác thải nhựa nằm dưới đáy các đại dương
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 02:30, 08/10/2020
Cơ quan nghiên cứu khoa học CSIRO thuộc chính phủ Australia thu thập và phân tích 51 mẫu lõi nền đại dương tại 6 điểm ngoài khơi cách duyên hải phía nam Australia khoảng 300 km, thuộc phạm vi vịnh Đại Úc.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sau khi loại bỏ nước, mỗi gram trầm tích chứa trung bình 1,26 mảnh vi nhựa, chủ yếu có đường kính dưới 5 mm và được tạo thành từ các mảnh nhựa lớn hơn vỡ ra.
Kết quả này cho thấy, số lượng hạt vi nhựa dưới đáy biển nhiều gấp 25 lần so với các nghiên cứu trước đó. Nghiên cứu này cũng cho hay, tổng trọng lượng của hạt vi nhựa dưới đáy đại dương hiện nay nặng gấp 34 đến 57 lần so với lượng rác thải nhựa trên mặt biển.
Justine Barrett, chuyên gia điều phối dự án cho biết, nghiên cứu của CSIRO là “nghiên cứu đầu tiên trên thế giới ước tính được số lượng các hạt vi nhựa đang tồn tại trên đáy đại dương”. Nghiên cứu cũng khẳng định “ngay cả đại dương sâu thẳm cũng đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm nhựa”.
Tiến sỹ Denise Hardestry, trưởng nhóm các nhà nghiên cứu của CSIRO khẳng định “nghiên cứu cho thấy, việc tìm ra vi nhựa ở vị trí xa xôi và ở độ sâu như vậy cho thấy nhựa có ở mọi nơi trên thế giới.
“Có nghĩa là nhựa đi qua được cột nước (thuật ngữ dùng trong hải dương học, tính từ bề mặt biển tới lớp trầm tích đáy, chủ yếu được sử dụng cho các nghiên cứu về môi trường) – đây là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ về tác động từ thói quen tiêu dùng đối với những nơi được coi là nguyên sơ nhất. Chúng ta phải đảm bảo đừng biến đại dương thành hố rác. Bằng chứng này càng cho thấy chúng ta phải chấm dứt hành động thải nhựa ngay từ trứng nước”.
TS. Hardesty không rõ các mảnh nhựa tồn tại ở đó bao lâu và vỡ ra từ đồ vật gì nhưng khi soi chiếu dưới kính hiển vi thì biết đó là sản phẩm hàng tiêu dùng.
Hơn 14 triệu tấn rác thải nhựa đang ẩn giấu sâu dưới đáy đại dương
Các nhà nghiên cứu ngoại suy số lượng nhựa tìm được trong mẫu và từ nghiên cứu của các tổ chức khác để đi đến kết luận có khoảng 14,4 triệu tấn vi nhựa tồn tại ở các đáy đại dương. Con số này có vẻ lớn nhưng TS. Hardesty cho hay chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng lượng nhựa đổ vào địa dương hàng năm.
Kết quả nghiên cứu được công bố trong bối cảnh vào tháng trước, 70 quốc gia trên thế giới vừa ký cam kết tham gia nỗ lực bảo tồn sự đa dạng sinh học trong đó có mục tiêu ngừng đổ rác thải nhựa xuống đại dương vào năm 2050.
Ô nhiễm nhựa là vấn đề ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Đó không phải là một vấn đề của riêng ai, là vấn đề của tất cả mọi người, mọi quốc gia. Các nhà khoa học khuyến cáo, ô nhiễm nhựa sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu chúng ta không làm bất cứ điều gì.
Tháng 9/2020, một ngiên cứu ước tính năm 2016 có khoảng 19 – 23 triệu tấn nhựa đổ vào các dòng sông và đại dương. Một nghiên cứu trước đó trên tạp chí Science ước tính mỗi năm có tới 8,5 m triệu tấn nhựa bị thải ra đại dương. Một nghiên cứu khác ước lượng có 250.000 nghìn tấn nhựa đang trôi nổi trên mặt biển.
Nhóm nghiên cứu thuộc CSIRO ước tính trọng lượng vi nhựa ở đáy đại dương gấp 34 – 57 lần lượng nhựa trên mặt biển.
Tiến sĩ Julia Reisser, nhà sinh học biển tại Viện Đại dương của Đại học Tây Australia, và là người đã tham gia nghiên cứu về ô nhiễm nhựa trên đại dương trong suốt 15 năm qua, nhận định công trình nghiên cứu khoa học mới nhất của CSIRO là một đóng góp quan trọng cho các nỗ lực toàn cầu. Bà hy vọng dữ liệu biển sâu của Australia có thể được kết hợp với các nỗ lực khác trên toàn thế giới, tạo lập nền móng cho các nghiên cứu tương lai, đưa ra một bức tranh chính xác nhất về môi trường biển.
Kết quả nghiên cứu được công bố trong bối cảnh vào tháng trước, 70 quốc gia trên thế giới vừa ký cam kết tham gia nỗ lực bảo tồn sự đa dạng sinh học trong đó có mục tiêu ngừng đổ rác thải nhựa xuống đại dương vào năm 2050. Tuy vậy, một số nước lớn trong đó có Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Australia không tham gia cam kết này.
Quỳnh Nga