Thời trang nhanh và những tác động đến môi trường ( Bài 2): Thời trang nhanh - “Rẻ” với người, “Đắt” với môi trường và trái đất
Emagazines - Ngày đăng : 22:19, 19/11/2024
Thời trang nhanh và những tác động đến môi trường (Bài 2): Thời trang nhanh - “Rẻ” với người, “Đắt” với môi trường và trái đất
Cuộc chạy đua của thời trang nhanh không chỉ tạo nên xu hướng tiêu dùng mới mà còn kéo theo nhiều hệ lụy lớn đối với môi trường. Khi dòng quần áo rẻ tiền và dễ thay thế tràn ngập thị trường, môi trường và trái đất lại phải gánh chịu cái giá “đắt” không ngờ. Liệu rằng thời trang nhanh có thực sự “rẻ” như vẻ bề ngoài của nó?
Trong vài thập kỷ qua, thời trang nhanh đã trở thành một ngành công nghiệp phát triển vượt bậc, đáp ứng nhu cầu của hàng triệu người tiêu dùng trên khắp thế giới. Chỉ với một khoản chi phí nhỏ, người dùng có thể mua sắm thoải mái những bộ trang phục hợp mốt và thay đổi phong cách một cách nhanh chóng. Những nhãn hiệu nổi tiếng trong ngành thời trang nhanh đã rất thành công trong việc biến quần áo trở thành thứ “dùng một lần” với mức giá rẻ và mẫu mã luôn đổi mới.
Bên cạnh đó, chính sự phát triển vượt bậc của các sàn thương mại điện tử hiện nay đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xu hướng thời trang nhanh phát triển mạnh mẽ. Việc mua sắm trực tuyến dễ dàng và nhanh chóng khiến người tiêu dùng có xu hướng mua sắm nhiều hơn, thường xuyên thay đổi xu hướng và bỏ đi những món đồ cũ sau khi chỉ sử dụng một thời gian ngắn.
Theo các nghiên cứu, việc mua sắm thời trang qua các nền tảng thương mại điện tử giúp giảm chi phí vận hành của các cửa hàng truyền thống, tạo ra mức giá cạnh tranh hấp dẫn. Từ đó, làm gia tăng tần suất mua sắm và khuyến khích người tiêu dùng thay đổi quần áo thường xuyên để theo kịp xu hướng, một yếu tố quan trọng trong sự phát triển của thời trang nhanh. Hơn nữa, nhiều sàn thương mại điện tử cung cấp các chương trình giảm giá, khuyến mãi liên tục, điều này càng khiến người tiêu dùng dễ dàng rơi vào cám dỗ của việc mua sắm không kiểm soát và ít quan tâm đến việc tái sử dụng hoặc tái chế quần áo cũ.
Chính những điều này đã dẫn đến việc sử dụng nguyên liệu không bền vững, tăng trưởng nhanh trong sản xuất và tiêu thụ, và cuối cùng là những sản phẩm khó phân hủy, góp phần làm ô nhiễm môi trường.
Lượng rác thải khổng lồ
Ngành thời trang nhanh đang tạo ra lượng rác thải khổng lồ hằng năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng môi trường trên toàn cầu. Theo thống kê, mỗi năm, khoảng 90 triệu mặt hàng may mặc được tống xuống các bãi chôn rác. Đây là một con số khổng lồ, tương đương với gần 4% tổng lượng rác thải toàn cầu.
Trên thế giới, nước Anh thải ra 350.000 tấn rác áo quần mỗi năm. Ở Mỹ, con số này là 10.5 triệu tấn. Tại thủ đô Accra, Ghana – một nước Châu Phi, một phần của sa mạc Atacama, nơi có bãi rác khổng lồ, được mệnh danh là “bãi rác quần áo của thế giới”, có đến 60% trong bãi rác này là quần áo. Mỗi tuần, nơi đây nhận được 15 triệu chiếc quần áo cũ, trong đó có cả đồ từ thiện từ khắp nơi trên thế giới gửi về và 40% trong số đó có chất liệu quá tệ đến nỗi bị đem vứt ra bãi rác ngay lập tức. Mỗi năm có đến khoảng 39 nghìn tấn quần áo bị thải bỏ được tập kết ở sa mạc này. Trong đó, ngoài quần áo từ thiện còn có quần áo bị vứt bỏ và quần áo lỗi, quần áo ế của các thương hiệu thời trang nhanh.
Vấn đề lớn đối với rác thải thời trang chính là sự phổ biến của các loại sợi tổng hợp như polyester, nylon, và spandex,.., đây đều là những chất liệu cần đến hàng chục đến hàng trăm năm để phân hủy. Cụ thể, vải polyester phải chờ tận 200 năm, vải nylon là 30 - 40 năm và thấp nhất là 20 – 40 năm với vải tổng hợp. Như vậy, để có thể phân hủy vải vóc hay quần áo thì cũng cần tới hàng trăm năm nên hầu hết quần áo sẽ ở lại những bãi rác vĩnh viễn.
Vậy là với giá trị thấp tương xứng với giá tiền, những bộ đồ của thời trang nhanh sẽ bị thải bỏ rất nhanh và đích đến cuối cùng của chúng là tập kết ở những “bãi rác quần áo”. Và cứ như vậy, hàng chục năm nữa liệu sẽ có bao nhiêu bãi rác như vậy rải rác khắp thế giới?
Nếu không vứt vào bãi rác, quần áo bỏ đi sẽ được chôn lấp và tiêu hủy bằng cách đốt. Vậy nhưng, polyester - loại sợi được sử dụng phổ biến nhất trong thời trang nhanh, được làm từ nhựa và rất khó để phân hủy. Thay vào đó, chúng hoạt động giống như các dạng nhựa khác (hạt vi nhựa), hiếm khi được tái chế, mất nhiều năm để phân hủy, gây hại tới nguồn nước và động vật hoang dã. Ước tính, khoảng 500.000 tấn vi nhựa từ thời trang nhanh bị thải ra đại dương hàng năm, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển và chuỗi thức ăn của con người.
Có thể nói, chính sự phát triển nhanh chóng của thời trang nhanh, tiêu thụ cao đã khiến việc sử dụng quần áo trở nên ngắn hạn và lãng phí.
Tính từ năm 2000, sản lượng may mặc toàn cầu đã tăng gấp đôi, nhưng người tiêu dùng lại mặc ít hơn và bỏ nhanh hơn. Như vậy, nếu xu hướng tiêu thụ hiện tại không thay đổi, lượng rác thải thời trang dự kiến sẽ tăng lên đến 160 triệu tấn vào năm 2050, đẩy nhanh áp lực lên hệ thống xử lý rác thải và tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu.
Chợ đầu mối Ninh Hiệp, một trong những khu chợ sỉ tiêu thụ quần áo lớn nhất ở miền Bắc Việt Nam, đã và đang chứng kiến sự gia tăng và phủ sóng mạnh mẽ của xu hướng thời trang nhanh. Qua khảo sát tại đây, phóng viên ghi nhận được những thông tin phản ánh rõ nét về sự gia tăng lượng rác thải từ xu hướng thời trang này.
Theo nhiều chủ cửa hàng tại chợ Ninh Hiệp, thời trang nhanh đang trở thành xu hướng chủ đạo khi người tiêu dùng có thói quen mua sắm quần áo với tần suất cao nhưng lại sử dụng chúng trong thời gian rất ngắn. Việc các sản phẩm bị lỗi hoặc không bán được sẽ bị thải ra thị trường với giá rẻ, nhưng không ít trong số đó sẽ bị vứt bỏ hoặc bị loại bỏ tại các cửa hàng vì không còn phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Lượng rác thải này bao gồm cả quần áo cũ, sản phẩm lỗi và những sản phẩm không bán được trong mùa.
Chị Phạm Hồng Uyên (46 tuổi), một chủ cửa hàng tại chợ Ninh Hiệp chia sẻ: “Dù các xưởng may hay các chủ cửa hàng tại chợ luôn cố gắng cung cấp sản phẩm với giá cả hợp lý và mẫu mã phong phú để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhưng chính những yếu tố này cũng khiến quần áo nhanh chóng bị bỏ đi sau một thời gian ngắn sử dụng. Các sản phẩm thời trang nhanh, với nguyên liệu giá rẻ, ít bền và không phù hợp với xu hướng lâu dài, dễ bị hư hỏng hoặc không còn được ưa chuộng. Phần lớn các sản phẩm bị lỗi hoặc không tiêu thụ được sẽ được đưa ra thị trường với mức giá giảm mạnh, nhưng cũng có một lượng lớn bị vứt đi hoặc bỏ lại ở các cửa hàng.”
Tại khu chợ này, nhiều khách khách hàng cũng đã chia sẻ về thói quen mua sắm quần áo theo xu hướng thời trang nhanh. Một số khách hàng cho biết, họ thường xuyên mua các món đồ quần áo giá rẻ tại chợ vì mẫu mã đẹp và hợp xu hướng, tuy nhiên, sau một vài lần mặc, nếu sản phẩm không còn hợp mốt hoặc bị hư hỏng, họ sẽ không ngần ngại bỏ đi và thay thế bằng những món đồ mới.
Chị Hoàng Thị Lan (32 tuổi), một khách hàng lâu năm tại chợ Ninh Hiệp, cho biết: “Mỗi lần có mẫu mới, tôi lại mua vài chiếc vì giá cả hợp lý và nhìn đẹp. Nhưng nếu vài tháng sau không còn phù hợp hoặc bị hỏng, tôi sẽ không giữ lại. Chỉ cần một mùa là bỏ đi, vì không đáng để sửa chữa”. Một số khách hàng khác cũng thừa nhận rằng họ mua quần áo mới liên tục, không phải vì nhu cầu thật sự, mà vì thói quen chạy theo xu hướng và thích có những món đồ mới mỗi mùa.
Chính những điều này đã tạo ra một vòng xoáy tiêu dùng không bền vững, khi nhiều sản phẩm thời trang nhanh bị vứt bỏ sau một thời gian ngắn sử dụng, góp phần vào lượng rác thải khổng lồ. Hầu hết các sản phẩm này đều được làm từ các vật liệu dễ hư hỏng và không thể tái chế, tạo thành một gánh nặng lớn đối với môi trường.
Ô nhiễm môi trường nước
Xu hướng thời trang nhanh không chỉ tạo ra lượng rác thải khổng lồ mà còn là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngành công nghiệp dệt may là một trong những ngành sử dụng nước nhiều nhất và gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất. Khoảng 20% lượng nước thải công nghiệp trên toàn cầu đến từ ngành dệt may, phần lớn trong đó là từ quá trình nhuộm và hoàn tất sản phẩm.
Các nhà máy may mặc sản xuất hàng triệu sản phẩm mỗi năm, thường sử dụng hàng loạt hóa chất độc hại để nhuộm, xử lý và bảo quản vải. Điều này đã dẫn đến việc xả hàng triệu lít nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, đặc biệt là ở các quốc gia có ngành sản xuất dệt may phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh.
Lượng lớn nước được sử dụng và thải ra trong quá trình sản xuất là nguyên nhân làm nhiễm độc cho sinh vật sống trong nước ngay từ nguồn, bao gồm các hóa chất hữu cơ độc hại, các anion độc hại, muối, kim loại ion, các phức hợp kim loại, các bioxit, và các chất hoạt tính bề mặt. Các chất hoạt tính bề mặt và các hợp chất như chất tẩy rửa, chất phân tán, và chất nhũ hóa được sử dụng trong hầu hết các giai đoạn của quá trình sản xuất đồ may mặc và gây ra nhiều sự sủi bọt và độc tố thải ra nước.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính mỗi năm, dệt nhuộm sử dụng 1/4 lượng hóa chất toàn thế giới và 1/5 lượng nước ô nhiễm toàn cầu do ngành công nghiệp dệt nhuộm thải ra.
Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất là lượng nước khổng lồ mà thời trang nhanh tiêu thụ trong quá trình sản xuất. Thông thường để tạo ra 1kg sợi, cần tới 200 lít nước. Có nhu cầu sử dụng nhiều nước trong quá trình sản xuất sợi bao gồm, giặt sợi, tẩy màu, nhuộm màu, và sau đó là làm sạch sản phẩm cuối cùng.
Ngoài ra, bản thân cây bông (cotton) cũng ngốn tới 19.000 lít nước để cung cấp đủ nguyên liệu cho việc sản xuất một chiếc áo phông. Mặc dù đất nông nghiệp trên thế giới trồng cotton chỉ chiếm 2,4%, nhưng loại cây này tiêu thụ tới khoảng 10% tất cả các loại hóa chất nông nghiệp và 25% thuốc trừ sâu.
Một ví dụ điển hình là vào thập niên 1960, Liên Xô đã làm thay đổi dòng chảy của hai dòng sông. Thay vì đổ vào biển Aral, thì hai dòng sông này lại chảy vào các đồn điền cotton. Hệ lụy là khi không còn được cung cấp nước từ 2 con sông, gần như toàn bộ biển Aral đã bị cạn kiệt, ngày nay gần như là sa mạc cằn cỗi.
Ngay trong quá trình nhuộm và sản xuất thì ngành công nghiệp thời trang đã sử dụng một lượng nước khổng lồ, từ hàng ngàn đến triệu lít nước cho mỗi tấn vải. Việc này không chỉ gây tiêu tốn nước mà còn gây ô nhiễm nguồn nước do các hóa chất có trong quá trình nhuộm. Hiện nay, nhiều nhà máy, xưởng thiết kế thời trang không có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Điều này dẫn đến việc thải nước ra môi trường gây ô nhiễm rất nhiều, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe cho cộng đồng.
Nhà thiết kế Lan Anh - Trưởng ngành thời trang Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), một trong những nhà thiết kế tiên phong phát triển theo xu hướng thời trang bền vững tại Việt Nam
Hiện nay, vấn đề ô nhiễm nước thải ở nhiều khu vực vẫn chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ áp dụng các biện pháp xử lý nước thải thô sơ, nước thải sau xử lý vẫn chứa phần lớn các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các khu công nghiệp làng nghề nói chung và các xưởng may mặc, thời trang nói riêng. Việc này đã khiến cho nguồn nước nhiều địa phương gặp phải tình trạng ô nhiễm trầm trọng và ảnh hưởng đến cả bầu không khí xung quanh ở các khu vực đó dẫn đến đời sống của người dân bị ảnh hưởng.
Về vấn đề này, có thể kể đến vụ việc diễn ra tại TP.HCM vào năm 2021 khi nhiều xưởng nhuộm vải tại ấp 1, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh bức tử môi trường trong suốt thời gian dài. Theo ghi nhận, nhiều người dân xung quanh khu vực các xưởng nhuộm phản ánh, dọc tuyến kênh từ đường Liên Ấp 2-6 đi vào có nhiều nhà xưởng nhuộm vải xập xệ, cũ kỹ thường xuyên hoạt động, bất chấp các quy định của pháp luật về an toàn phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường. Từ sáng sớm đến khuya, những lò đốt của các cơ sở sấy nhuộm này thải khói mịt mù ra khu dân cư, theo đó là những dòng nước thải nhuộm màu hóa chất xanh đen chảy ra tuyến kênh theo hướng từ xã Vĩnh Lộc A về Vĩnh Lộc B, khiến dòng kênh này đen xì, hôi thối, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, mỗi năm, luôn có hàng loạt vụ việc các công ty dệt may, các xưởng may mặc trên cả nước bị xử phạt vì xả thải trái phép, vượt mức cho phép ra ngoài môi trường…
Phát thải CO2 gây ô nhiễm
không khí
Các khí phát thải trong ngành dệt may được xem là vấn đề ô nhiễm thứ 2 bên trong ngành này, chỉ sau nước thải. Từ quy trình sản xuất đến vận chuyển và tiêu thụ, thời trang nhanh gây ra lượng khí thải carbon rất lớn.
Ước tính, ngành công nghiệp thời trang toàn cầu phát thải khoảng 1,2 tỷ tấn CO₂ mỗi năm, chiếm khoảng 10% tổng lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu – nhiều hơn cả tổng phát thải của ngành hàng không và vận tải hàng hải cộng lại.
Quá trình sản xuất các sản phẩm thời trang nhanh bao gồm việc sử dụng nhiều năng lượng để trồng bông, dệt vải, nhuộm màu và sản xuất quần áo. Đặc biệt, các loại sợi tổng hợp như polyester, nylon, được sử dụng rộng rãi trong thời trang nhanh vì giá thành rẻ và dễ sản xuất. Tuy nhiên, polyester có nguồn gốc từ dầu mỏ và cần rất nhiều năng lượng để sản xuất, làm tăng đáng kể lượng khí thải CO₂. Ước tính, việc sản xuất một chiếc áo phông bằng polyester có thể phát thải đến 5,5 kg CO₂, gần gấp đôi so với các chất liệu tự nhiên.
Ngoài ra, quá trình vận chuyển hàng hóa từ các cơ sở sản xuất, thường nằm ở châu Á, đến các thị trường tiêu thụ ở châu Âu và Bắc Mỹ cũng làm gia tăng phát thải khí CO₂. Sự phát triển của thương mại điện tử và nhu cầu tiêu dùng toàn cầu khiến việc vận chuyển nhanh trở thành yếu tố tất yếu của thời trang nhanh, nhưng đồng thời nó lại gia tăng thêm lượng CO₂ thải ra từ nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt trong quá trình vận chuyển bằng đường hàng không.
Hậu quả là không khí bị ô nhiễm do các khí thải CO₂ và các khí nhà kính khác như methane và oxit nitơ từ quy trình sản xuất và vận chuyển của thời trang nhanh. Khí thải CO₂ là nguyên nhân chính dẫn đến hiệu ứng nhà kính, khiến nhiệt độ toàn cầu gia tăng và gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Như vậy, ngành thời trang nhanh, với tần suất sản xuất và tiêu thụ cao, đóng góp rất lớn vào tình trạng ô nhiễm không khí, đe dọa sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Lãng phí tài nguyên
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất lớn với giá rẻ, ngành thời trang nhanh tiêu thụ rất nhiều tài nguyên như nước, đất, và năng lượng. Quá trình sản xuất các sợi vải tự nhiên, đặc biệt là bông, đòi hỏi diện tích đất lớn để canh tác, nhưng lại đi kèm với những phương pháp trồng trọt có hại cho đất. Các hóa chất như thuốc trừ sâu và phân bón dùng trong canh tác bông làm giảm chất lượng đất, ảnh hưởng đến độ phì nhiêu và tiềm năng sản xuất nông nghiệp lâu dài của đất.
Bên cạnh đó, khi quần áo thời trang nhanh bị vứt bỏ, chúng thường bị chôn lấp, gây tác động tiêu cực đến đất trong các bãi rác. Phần lớn quần áo này chứa sợi tổng hợp như polyester, nylon và spandex, là những vật liệu khó phân hủy và có thể tồn tại trong đất hàng trăm năm. Điều này không chỉ chiếm dụng diện tích đất mà còn gây ô nhiễm đất do các vi nhựa và chất phụ gia hóa học trong sợi vải ngấm vào môi trường xung quanh.
Sự lãng phí tài nguyên này tạo áp lực lớn lên môi trường đất, làm suy giảm tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất, giảm khả năng hấp thụ nước và chất dinh dưỡng tự nhiên của đất.
Vấn đề điều kiện lao động và sức khỏe con người
Theo thống kê, trên thế giới, nhiều công ty thời trang nhanh hoạt động với mô hình sản xuất khối lượng lớn và chi phí thấp, điều này thường dẫn đến việc bỏ qua các tiêu chuẩn lao động cơ bản. Các điều kiện làm việc tồi tệ trong ngành này thường bắt nguồn từ việc tập trung sản xuất ở các nước đang phát triển, nơi quy định về lao động còn lỏng lẻo và quyền lợi của người lao động chưa được đảm bảo đầy đủ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người lao động. Bên cạnh đó, mức lương trả cho công nhân thường thấp hơn mức sống cơ bản, không đủ để đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho gia đình của họ.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), công nhân trong các nhà máy thời trang nhanh ở các quốc gia như Bangladesh và Campuchia chỉ được trả khoảng 3-5 đô la một ngày, mức lương thấp hơn nhiều so với mức sống tối thiểu.
Có thể kể đến tình huống thảm họa tại công xưởng Rana Plaza, Bangladesh. Theo đó, vào tháng 4/2013, tòa nhà công xưởng Rana Plaza, Bangladesh, chuyên gia công quần áo cho các hãng thời trang nhanh đã sập. Có đến 1.134 người thiệt mạng vì một vết nứt đã được nhận ra trước đó nhưng những công nhân vẫn bị ép trở lại làm việc nếu không sẽ không được trả lương.
Một vấn đề lớn khác là sự thiếu minh bạch trong chuỗi cung ứng. Nhiều công ty thời trang nhanh không công bố thông tin về các nhà máy và điều kiện lao động của họ. Điều này dẫn đến tình trạng khó kiểm soát các hành vi bóc lột và lạm dụng người lao động. Nhiều báo cáo đã chỉ ra rằng, trẻ em và lao động cưỡng bức cũng tham gia vào chuỗi cung ứng của nhiều thương hiệu thời trang nhanh, và những vi phạm về quyền lao động thường bị che giấu do các chuỗi cung ứng phức tạp và không được công khai.
Ngoài ra, việc xu hướng thời trang nhanh đang phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt trên các sàn thương mại điện tử với hàng loạt các sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng nguyên liệu không được đảm bảo, có thể gây hại sức khỏe.
Để sản xuất quần áo thời trang nhanh với chi phí thấp, nhiều nhà sản xuất sử dụng các loại hóa chất như thuốc nhuộm tổng hợp, chất chống nhăn, và chất chống thấm nước. Những hóa chất này có thể gây kích ứng da, dị ứng và các vấn đề về hô hấp đối với người mặc, đặc biệt khi chúng tồn đọng trên quần áo không được giặt sạch hoàn toàn trước khi sử dụng.
Quá trình sản xuất và xử lý các loại sợi tổng hợp như polyester, nylon, hoặc acrylic thải ra nhiều chất gây ô nhiễm, bao gồm khí CO₂ và các chất ô nhiễm công nghiệp khác, làm ô nhiễm không khí và nguồn nước. Hít thở không khí ô nhiễm có thể gây ra các vấn đề sức khỏe về đường hô hấp, tim mạch và làm tăng nguy cơ ung thư. Đặc biệt, các chất ô nhiễm từ ngành thời trang nhanh chảy vào nguồn nước có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước uống, gây hại cho sức khỏe cộng đồng.
Trả lời phỏng vấn về trải nghiệm mua sắm sản phẩm thời trang nhanh giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử, nhiều người tiêu dùng đã chia sẻ cảm nhận không mấy tích cực về chất lượng sản phẩm.
Chị Minh Trang (27 tuổi), một khách hàng cho biết: “Tôi mua một vài chiếc áo giá rẻ trên ứng dụng Shopee, nhưng khi mặc vào thấy vải rất bí, gây nóng nực và khó chịu. Dù nhìn bên ngoài trông đẹp nhưng chất liệu lại làm tôi cảm thấy ngứa ngáy, thậm chí kích ứng da.”
Anh Quang Huy (38 tuổi), một khách hàng khác, phản ánh: “Vì thấy giá rẻ và mẫu mã hợp thời nên tôi đã đặt mua trên mạng. Tuy nhiên, quần áo nhanh chóng bị xuống cấp, phai màu và mất phom dáng chỉ sau vài lần giặt. Chất vải tổng hợp không thấm hút mồ hôi, khiến tôi bị mẩn đỏ khi mặc trong thời gian dài.”
Những phản hồi trên đã cho thấy rằng, người tiêu dùng đang phải trả một “cái giá” khác ngoài giá tiền khi mua sản phẩm thời trang nhanh giá rẻ: đó là sự khó chịu và rủi ro về sức khỏe từ chất liệu và quy trình sản xuất kém chất lượng. Điều này đặt ra yêu cầu cần có sự minh bạch hơn từ các sàn thương mại điện tử và các thương hiệu thời trang nhanh để đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.
Xu hướng thời trang nhanh cũng thúc đẩy văn hóa mua sắm không kiểm soát, khiến nhiều người rơi vào vòng xoáy mua sắm theo xu hướng và cảm giác cần sở hữu các sản phẩm mới liên tục. Điều này không chỉ gây áp lực về tài chính mà còn có thể gây căng thẳng và ảnh hưởng tâm lý, khi nhu cầu sở hữu đồ mới liên tục dễ dẫn đến chứng nghiện mua sắm và cảm giác không hài lòng với những gì mình có.
Bên cạnh đó, đa số thời trang nhanh là sao chép thiết kế, ủng hộ nó cũng đồng nghĩa với việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Như vậy, xu hướng thời trang nhanh không chỉ gây ra thảm họa về lượng rác thải và ô nhiễm môi trường mà còn đóng góp vào biến đổi khí hậu toàn cầu, đe dọa môi trường và cuộc sống của chúng ta. Từ đó, đòi hỏi sự thay đổi từ thói quen tiêu dùng và các biện pháp hỗ trợ từ ngành công nghiệp thời trang nhằm giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe và bảo vệ môi trường.