42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam: Nhà giáo trong kỷ nguyên vươn mình

Giáo dục - Ngày đăng : 11:07, 20/11/2024

Ngày 20/11 hàng năm, cả nước lại hân hoan kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam – một dịp để tri ân những người đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp "trồng người". Không chỉ đơn thuần là một ngày lễ, đây còn là biểu tượng của truyền thống "tôn sư trọng đạo".
Giáo dục

42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam: Nhà giáo trong kỷ nguyên vươn mình

Hoàng Thơ 20/11/2024 11:07

Ngày 20/11 hàng năm, cả nước lại hân hoan kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam – một dịp để tri ân những người đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp "trồng người". Không chỉ đơn thuần là một ngày lễ, đây còn là biểu tượng của truyền thống "tôn sư trọng đạo".

Tri ân những người thắp sáng tri thức

Từ xa xưa, nghề thầy giáo cũng luôn được đặt ở vị trí hàng đầu - một vị trí danh dự và cao cả. Trong xã hội phong kiến, thầy giáo được xếp ngang hàng với cha mẹ trong câu nói "Quân – Sư – Phụ". Những câu ca dao, tục ngữ như “Không thầy đố mày làm nên” hay “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” lại càng khẳng định vai trò quan trọng của người thầy trong đời sống văn hóa và xã hội Việt Nam.

Người thầy được coi là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “khuôn vàng thước ngọc” của tri thức, đạo đức và nhân cách để học trò noi theo mà trở thành người có đức, có tài, đứng ra giúp nước. Học trò không chỉ học chữ từ thầy mà còn học cách sống, cách làm người.

Trong các làng quê xưa, trường học thường gắn với đình làng – nơi tụ họp và sinh hoạt văn hóa. Các thầy đồ không chỉ dạy chữ Nho mà còn truyền tải tư tưởng Nho giáo như lòng trung quân, hiếu nghĩa và đạo lý làm người. Học trò sau khi thành đạt luôn giữ gìn mối quan hệ thầy – trò, thể hiện qua việc "tôn sư trọng đạo", trở về thăm hỏi thầy cô, báo đáp công ơn dạy dỗ.

giao-vien-15696358185381649215848.jpg
Người thầy được coi là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “khuôn vàng thước ngọc” của tri thức, đạo đức và nhân cách

Truyền thống tốt đẹp ấy được tiếp nối qua các thế hệ, tỏa sáng trong mọi thời đại, là mạch nguồn bền bỉ nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, coi trọng giáo dục của nhân dân ta. Trong thời đại Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta đã thể hiện khát vọng và tầm nhìn lớn lao, sâu sắc về giáo dục: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành."

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò của giáo dục và tầm quan trọng của nghề giáo trong việc xây dựng con người và phát triển đất nước: "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người." Ngoài ra, Người luôn đề cao trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo: "Dạy học là một nghề rất quan trọng, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, không có cán bộ, không nói gì đến văn hóa."

Người cũng nhấn mạnh rằng người thầy không chỉ dạy chữ, mà còn phải dạy cách làm người, bởi giáo dục không chỉ đào tạo tri thức mà còn hình thành nhân cách, đạo đức và lý tưởng sống: "Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không được đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh, là những người đặt nền móng cho chế độ xã hội chủ nghĩa."

Những lời dạy của Bác là kim chỉ nam cho ngành giáo dục, nhắc nhở mỗi thầy cô về trách nhiệm và niềm tự hào trong sự nghiệp "trồng người". Đồng thời, Bác cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xã hội phải tôn trọng và chăm lo cho đội ngũ nhà giáo để họ toàn tâm toàn ý với sứ mệnh cao cả này.

Kế thừa và phát huy những truyền thống của dân tộc, những thành tựu trong hơn 70 năm qua là minh chứng cho sự đóng góp không ngừng nghỉ của ngành giáo dục. Hàng triệu học sinh, sinh viên ưu tú đã trưởng thành từ mái trường, trở thành những nhà lãnh đạo, nhà khoa học, và những con người bình dị nhưng đầy trách nhiệm. Chính họ là "trái ngọt" của ngành giáo dục, là lực lượng xây dựng tương lai đất nước.

Người dẫn đường trong Kỷ nguyên vươn mình

Ngày 20/11/1982, lần đầu tiên Ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức trên cả nước, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc tôn vinh nghề dạy học. Trải qua 42 năm, ngày lễ này không chỉ là dịp để tri ân những người làm nghề "trồng người", mà còn phản ánh sự phát triển vượt bậc của giáo dục Việt Nam trong hành trình hội nhập và chuyển mình mạnh mẽ trước những thách thức của thời đại.

Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng, Nhà nước luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc. Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm chăm lo, có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục; xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển và ưu tiên, đi trước so với các lĩnh vực khác. Vì thế, ngành giáo dục Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, phản ánh sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống giáo dục và Chính phủ.

ky-nguyen-so.jpg
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, vai trò của giáo dục và nhà giáo càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết

Cả nước hiện có 24 triệu người đang đi học ở các bậc, trình độ khác nhau, loại hình khác nhau tại trên 52.000 cơ sở giáo dục. Giáo dục phổ thông chuyển hướng tích cực, từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực, kỹ năng của người học.

Các địa phương đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia để bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất. Đến nay, có khoảng 80% trường học hiện nay đã sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý, một con số tăng đáng kể so với chỉ khoảng 30% vào năm 2013.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ giáo viên ngày càng chủ động, sáng tạo hơn, học sinh cũng tự tin hơn, từ đó chất lượng giáo dục mũi nhọn ngày càng được nâng cao. Các đội tuyển học sinh Việt Nam tham gia thi Olympic quốc tế thường xuyên giành được thứ hạng cao. Ngành giáo dục và đào tạo cũng tiên phong trong việc chuyển đổi số.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, vai trò của giáo dục và nhà giáo càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu như trước đây, người thầy là trung tâm trong việc truyền đạt kiến thức thì ngày nay, vai trò này đã dần chuyển sang vai trò của người hướng dẫn, cố vấn và truyền cảm hứng. Học sinh giờ đây có thể tiếp cận tri thức từ nhiều nguồn khác nhau như internet, sách điện tử, hay các nền tảng học trực tuyến. Tuy nhiên, chính sự đa dạng này lại đòi hỏi thầy cô phải linh hoạt hơn, không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy học sinh cách chọn lọc và sử dụng tri thức một cách hiệu quả.

giao-vien.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo: "Dạy học là một nghề rất quan trọng, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, không có cán bộ, không nói gì đến văn hóa."

Công nghệ không chỉ thay đổi cách dạy học mà còn là công cụ giúp người thầy tiếp cận gần hơn với học sinh. Những lớp học trực tuyến, bảng tương tác, hay phần mềm trí tuệ nhân tạo đã và đang hỗ trợ đắc lực cho quá trình giảng dạy. Tuy nhiên, việc làm quen và áp dụng công nghệ mới không hề dễ dàng, đặc biệt đối với giáo viên ở các vùng sâu, vùng xa – nơi mà cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế. Cùng với đó, kỷ nguyên số với những thay đổi lớn về lối sống và tư duy của học sinh cũng đặt ra bài toán khó về giáo dục đạo đức. Trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, game online và các xu hướng tiêu cực, người thầy không chỉ dạy kiến thức mà còn phải trở thành "người định hướng" để học sinh xây dựng nhân cách và giá trị sống bền vững.

Trong bài phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (ngày 18/11/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, trong đó cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực quyết định cơ hội phát triển của mỗi nước được xác định là cốt lõi. Để hoàn thành các mục tiêu chiến lược 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, nhân lực chất lượng cao tiếp tục được xác định là đột phá chiến lược, và đổi mới giáo dục đào tạo là nhiệm vụ, giải pháp chiến lược của Đại hội XIV.

Vì thế, Tổng Bí thư cho rằng mục tiêu cao nhất hiện nay phải tập trung thực hiện cho bằng được là hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trách nhiệm vinh quang đó đòi hỏi những nỗ lực lớn lao, sự bứt phá mạnh mẽ, sự chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà trước hết và trực tiếp nhất chính là đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Đó là một trọng trách lớn lao, nhưng với một dân tộc có truyền thống hiếu học, quý trọng hiền tài; với đội ngũ thầy giáo, cô giáo tâm huyết, yêu nghề, sẵn sàng hy sinh, gắn bó với nghề, cùng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, toàn ngành giáo dục sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo.

Hoàng Thơ