Vấn nạn ô nhiễm môi trường đáng báo động từ rác thực phẩm

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 18:00, 21/11/2024

Rác thực phẩm đang trở thành vấn nạn nhức nhối trên nhiều đường phố ở các đô thị. Hàng tấn thực phẩm bị bỏ đi mỗi ngày, không chỉ lãng phí nguồn lực quý giá mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tại nhiều điểm tập kết rác thải tại Cầu Giấy, Hà Đông... các xe gom rác cũng chất đầy rác thải các loại, trong đó rác thải thực phẩm chiếm một lượng lớn với đủ loại thức ăn thừa, hoa quả hỏng, dầu ăn, mỡ đã qua sử dụng... Nhiều túi rác đã bị bung ra, rơi vãi khắp đường với mùi hôi xen lẫn nước rác khiến lòng đường lúc nào cũng mất vệ sinh.

Rác thải thực phẩm không chỉ từ các gia đình, mà còn từ các chợ bán rau, thực phẩm và hệ thống nhà hàng kinh doanh ăn uống trên địa bàn. Tại nhiều nhà hàng ăn uống, thức ăn dư thừa được xả thẳng ra môi trường mà không qua bất kỳ công đoạn xử lý nào. Theo các chuyên gia, mỗi ngày, Hà Nội có khoảng hơn 3.600 tấn rác thực phẩm thải ra môi trường.

058f495bf005198b2a2cc94b51cf6c08.jpg
Vấn nạn ô nhiễm môi trường đáng báo động từ rác thực phẩm (Ảnh minh họa)

Ngày 2/11/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 9368/BTNMT-KSON hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó nêu rõ, rác thải thực phẩm là một trong số những loại rác bắt buộc phải thực hiện phân loại tại nguồn. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết người dân không thực hiện quy định này.

Bà Nguyễn Thị Dung - Nhân viên vệ sinh môi trường của Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ Đô Thị Vĩnh Yên chia sẻ, rác thải của các hàng quán vỉa hè rất đa dạng từ giấy ăn, thức ăn thừa, bã mía, vỏ chai, lọ… Trong đó, chủ yếu là túi nilon và đồ nhựa dùng một lần. Không những xả rác ra vỉa hè, lòng đường, lượng dầu mỡ, mắm, muối… rơi vãi ra vỉa hè trong quá trình khách ăn uống đã làm cho cả khu vực luôn trong tình trạng nhếch nhác, trơn trượt. Hiện nay, dù đã được phổ biến phân loại rác thải đến các hàng quán nhưng việc thực hiện gần như là chưa có. Các hàng quán vẫn đổ rác chung vào một túi đựng và hiếm để tìm ra hàng quán nào phân loại rác thải theo đúng quy định.

"Như trước đây, tất cả các loại rác như trước đây chỉ cần cho vào một túi nilon là xong thì giờ phải phân ra nhiều loại: rác thải tái chế, rác thải không tái chế, rác thải cồng kềnh, rác thải nhựa… khiến những người làm nghề vệ sinh lâu năm như tôi còn gặp bối rối, không biết phân loại kiểu gì chứ chưa nói đến việc các chủ hàng quán tự phân loại", bà Dung nhấn mạnh.

Một số chuyên gia cho biết, sau gần 6 tháng thực hiện, nhiều người dân đã có ý thức phân loại rác thải, song vẫn chủ yếu là rác cồng kềnh, chất thải rắn; còn rác thực phẩm chưa được phân loại riêng. Bên cạnh đó, do chưa có nhà máy xử lý riêng về rác thực phẩm, nên rác thực phẩm vẫn đang được xử lý như chất thải rắn. Hiện nay, tại khu vực ngoại thành, một số người dân đã tận dụng biến rác thực phẩm thành phụ phẩm nông nghiệp hoặc thức ăn chăn nuôi, nhưng mô hình này còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa được nhân rộng.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khi bị vứt bừa bãi trên đường phố hoặc tập trung tại các bãi rác, thực phẩm thừa phân hủy nhanh chóng, sinh ra khí metan – một loại khí nhà kính mạnh gấp 25 lần CO₂ trong việc giữ nhiệt và gây ra biến đổi khí hậu. Đồng thời, quá trình phân hủy này cũng tạo ra nước rỉ rác chứa nhiều chất hữu cơ và vi khuẩn có hại, dễ dàng thẩm thấu vào đất và nguồn nước ngầm, đe dọa đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Không những thế, rác thực phẩm còn thu hút côn trùng, chuột bọ, dẫn đến sự phát sinh của các bệnh truyền nhiễm. Tại các đô thị, mùi hôi từ rác thực phẩm phân hủy làm ô nhiễm không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của cư dân. Việc rác thực phẩm không được xử lý đúng cách đã trở thành mối đe dọa lớn, đòi hỏi các giải pháp bền vững từ cả cộng đồng và chính quyền.

Hoàng Thơ