Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 08:41, 22/11/2024
Buổi sáng
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, tiến hành các nội dung sau:
* Nội dung 1: Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Tại phiên thảo luận có 13 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và 02 lượt đại biểu Quốc hội tranh luận. Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết để thể chế hóa chủ trương của Đảng, giải quyết các vướng mắc đối với phần diện tích đất hiện nay không phải là đất ở nhưng có gắn một phần đất ở, đặc biệt là ở những khu đô thị, vùng đô thị, thành phố có tốc độ đô thị hóa cao. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: tên gọi của Nghị quyết; phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết; đối tượng áp dụng; sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Nghị quyết với hệ thống pháp luật; điều kiện thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; tiêu chí thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; thời gian thực hiện thí điểm; tính khả thi của Nghị quyết; tổ chức thực hiện Nghị quyết. Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
* Nội dung 2: Quốc hội họp riêng, nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và biểu quyết thông qua việc điều chỉnh Chương trình bằng hình thức biểu quyết điện tử với tỷ lệ tán thành cao; sau đó, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Các đại biểu tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Buổi chiều
* Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Khoản 23 Điều 1, Khoản 30 Điều 1 và toàn văn dự thảo Luật bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau:
Về Khoản 23 Điều 1 (quy định về quyền và trách nhiệm của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc, các nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc): có 434 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 90,61% tổng số ĐBQH), có 427 đại biểu tán thành (bằng 89,14% tổng số ĐBQH), có 01 đại biểu không tán thành (bằng 1,25% tổng số ĐBQH), có 06 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,25% tổng số ĐBQH).
Về Khoản 30 Điều 1 (quy định về thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục, thời hạn cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc): có 419 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 87,47% tổng số ĐBQH), có 413 đại biểu tán thành (bằng 86,22% tổng số ĐBQH), có 03 đại biểu không tán thành (bằng 0,63% tổng số ĐBQH), có 03 đại biểu không biểu quyết (0,63% tổng số ĐBQH).
Về toàn văn dự thảo Luật: có 430 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 89,77% tổng số ĐBQH), có 426 đại biểu tán thành (bằng 88,94% tổng số ĐBQH), có 02 đại biểu không tán thành (bằng 0,42% tổng số ĐBQH), có 02 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,42% tổng số ĐBQH).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
* Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Tại phiên thảo luận có 09 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu; trong đó, các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương; cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn; việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn thành lập thành phố trực thuộc trung ương; tên gọi của thành phố Huế; cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội phục vụ cho sự phát triển của thành phố Huế; đầu tư phát triển hạ tầng; việc bảo vệ đất rừng, rừng phòng hộ; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; việc đào tạo chuyển đổi nghề cho người dân ở khu vực nông thôn, miền núi; bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị quần thể di tích cố đô; công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương; giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ để chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh gắn với việc bảo tồn, phát huy di sản; giải pháp phát triển du lịch, hỗ trợ chuyển đổi giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp; điều khoản chuyển tiếp. Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
* Nội dung 3: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng. Tại phiên thảo luận có 06 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và 01 lượt đại biểu Quốc hội tranh luận; trong đó, các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng như đề xuất tại dự thảo Nghị quyết. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: mục đích thành lập chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng; mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; tên gọi của Thành phố; tổ chức bộ máy của thành phố Thủy Nguyên; cơ cấu tổ chức của UBND quận, phường; quy định chuyển tiếp. Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Hôm nay, Thứ sáu, ngày 22/11/2024: (i) Buổi sáng: Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); (ii) Buổi chiều: Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân./.