Tái tạo môi trường thủy sản, Hòa Bình thả gần 300 triệu đồng tiền cá giống xuống lòng hồ thủy điện

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 08:00, 23/11/2024

Nhằm tái tạo môi trường thủy sản, bảo vệ môi trường, tỉnh Hòa Bình đã tiến hành thả nhiều loại cá có tổng trị giá gần 300 triệu đồng xuống lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Kinh phí chi trả cho việc này lấy từ nguồn ngân sách tỉnh giao hàng năm và từ số tiền đấu giá cá tầm tại Lễ hội cá tôm Hòa Bình năm 2024.

Nằm trong chuỗi hoạt động lễ hội “tôm – cá Sông Đà”, ngày 20/11, tại khu vực cảng ba cấp thuộc phường Thái Bình, TP Hoà Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình đã phối hợp với Công ty TNHH thủy sản Hải Đăng tổ chức thả các loại cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trên hồ Hoà Bình.

Hàng loạt các loại cá quý như: cá bỗng, chiên, lăng, trôi ta, trắm đen, chép, cá rô hồng, rô phi... với tổng giá trị gần 300 triệu đồng đã được thả xuống lòng hồ thủy điện Hòa Bình, nhằm tạo môi trường thủy sinh cho các giống cá nước ngọt, ưa nước chảy. Kinh phí chi trả cho việc này lấy từ nguồn ngân sách tỉnh Hòa Bình giao hàng năm và từ số tiền đấu giá cá tầm tại Lễ hội cá tôm Hòa Bình năm 2024.

22-hb1.jpg
Hàng loạt các loại cá quý như: cá bỗng, chiên, lăng, trôi ta, trắm đen, chép, cá rô hồng, rô phi...được thả xuống hồ thủy điện Hòa Bình

Ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình cho biết: Việc thả cá giống tại vùng hồ Hòa Bình là một trong những nội dung nằm trong kế hoạch thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản vùng hồ sông Đà hàng năm. Qua đó, tái tạo bảo vệ và phát triển đa dạng nguồn lợi thủy sản, tạo điều kiện cho phát triển nhiều giống loài mới theo quy định, đồng thời khuyến khích người dân phát triển việc nuôi cá lồng bè tại khu vực vùng hồ Hòa Bình.

Cũng theo ông Nhuận, việc thả cá giống, sẽ tăng thêm hệ sinh thái. đàn cá giống lần này thả xuống, bước đầu xác định cá rất khỏe mạnh, đạt tỷ lệ sống cao. Việc làm này góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn thủy sản trên vùng hồ sông Đà…

Được biết, Hòa Bình là tỉnh miền núi Tây Bắc có tiềm năng phát triển thủy sản tương đối lớn với trên 14.560 ha mặt nước. Đặc biệt là hồ thuỷ điện Hoà Bình với diện tích 8.892 ha đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản hồ chứa. Trong những năm qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ thuỷ điện Hoà Bình. Nổi bật như Quyết định số 1354/QĐ-UBND, ngày 05/7/2021 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg, ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Nhờ đó mà nghề nuôi cá lồng, bè trên hồ thủy điện Hòa Bình đã phát triển rất nhanh, số lồng/bè nuôi cá năm 2014 là 1.700 lồng, nay đã tăng lên gần 5.000 lồng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình: Trên khu vực hồ Hòa Bình có một số doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản với quy trình hữu cơ, VietGAP. Một số sản phẩm từ thủy sản nuôi trồng trên hồ đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Năm 2018, đánh dấu bước phát triển mới của nghề nuôi trồng thuỷ sản trên hồ Hoà Bình, khi Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu "Cá sông Đà - Hòa Bình” và "Tôm sông Đà - Hòa Bình”, cho đến nay thương hiệu này vẫn là một thương hiệu mạnh, giá trị.

Năm 2023, tỉnh Hòa Bình tổ chức thành công Lễ hội cá, tôm sông Đà - Hoà Bình lần thứ nhất. Để xây dựng, phát triển thương hiệu cá, tôm sông Đà, mới đây, ngày 5/6/2024, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 966/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Phát triển thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch đến năm 2030.

Đề án đã xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, như: Xây dựng 8 vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè tập trung gắn với các tua, tuyến, điểm du lịch khu vực hồ Hòa Bình; số lồng nuôi 10.000 lồng, giá trị sản xuất thủy sản đạt 500 tỷ đồng/năm; 80% cơ sở nuôi cá lồng áp dụng quy trình sản xuất nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) hoặc tương đương.

Ông Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản cho biết: Đề án là cơ sở pháp lý, định hướng chiến lược để quản lý, phát triển khai thác tiềm năng, lợi thế về thủy sản lòng hồ Hòa Bình đến năm 2030. Tỉnh xác định, du lịch là "đầu kéo” để nâng tầm giá trị của thương hiệu tôm cá sông Đà. Hòa Bình kỳ vọng, du lịch sẽ đi trước, mở đường và sẽ là đầu tàu để kéo thủy sản phát triển, đồng thời du lịch cũng là kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Khách du lịch sẽ là người tiêu thụ tôm, cá sông Đà. Định hướng của tỉnh về lâu dài, bền vững là khai thác giá trị thương hiệu tôm, cá sông Đà chứ không phải là sản xuất thủy sản sông Đà.

Với diện tích mặt nước rộng lớn, dung tích trên 9 tỷ m3, hồ Hòa Bình được coi là kho tàng quý báu về thuỷ, sinh vật và nguồn lợi thuỷ sản phong phú. Hàng năm, để bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, ngành thuỷ sản tỉnh đã thả hàng chục nghìn con cá giống xuống lòng hồ, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ, khôi phục nguồn lợi thuỷ sản, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương…

Mai Hạ