Bắc Ninh: Vi phạm môi trường, 71 cơ sở bị xử phạt hơn 30,5 tỷ đồng
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 10:30, 24/11/2024
Riêng Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, gần đây nhất có 16 cơ sở sản xuất bị phạt với số tiền 8,7 tỷ đồng về các vi phạm về xây dựng, môi trường và phòng cháy chữa cháy,…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đào Quang Khải vừa ký ban hành 16 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về môi trường, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, quy hoạch, xây dựng đối với chủ đầu tư và các cơ sở sản xuất trong Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá với tổng số tiền gần 8,7 tỷ đồng.
Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka - chủ đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá về các lỗi: tổ chức xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng; không có giấy phép về môi trường; không hoàn thành việc xây lắp, lắp đặt hệ thống thu gom, xử lý nước thải của Cụm công nghiệp; không lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; đưa công trình vào hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy với tổng số tiền 888 triệu đồng. Đồng thời, đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường tại Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá 4 tháng 15 ngày.
Đối với Công ty TNHH nhôm Đại Hưng, Công ty TNHH sản xuất thương mại và xuất nhập khẩu HS và cơ sở sản xuất của các hộ: Hà Thị Cảnh, Mẫn Thị Thu, Nguyễn Thị Trà, Mẫn Văn Tuyên, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Văn Đa, Nguyễn Văn Bách, Nguyễn Văn Bình, Mẫn Thị Thân, Nguyễn Văn Khởi, Nguyễn Văn Hoàng vi phạm các lỗi chủ yếu về: không tổ chức lập thẩm định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng theo quy định; xây dựng nhà xưởng không đúng quy định được duyệt; không có giấy phép xây dựng; không có giấy phép môi trường; không có kho lưu trữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định; đưa công trình vào hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc có văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy...
Các doanh nghiệp và cơ sở này bị đình chỉ sản xuất 4 tháng 15 ngày và buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; thực hiện phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm; lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định. Thời hạn khắc phục hậu quả 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt
Trước đó, chiều 20/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã trực tiếp đi kiểm tra tiến độ thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong và chỉ đạo, Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá chỉ được hoạt động trở lại sau khi khắc phục các vi phạm, trường hợp không khắc phục sẽ dừng hoạt động vĩnh viễn.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ trách nhiệm để xảy ra vi phạm ô nhiễm môi trường, đầu tiên là thuộc về chủ đầu tư Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, tiếp đến là công tác quản lý của UBND huyện Yên Phong. Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Phong chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh về kết quả thực hiện, tập trung phối hợp với đoàn kiểm tra phân cấp rõ xử lý vi phạm để đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ xử lý.
Theo chỉ đạo của tỉnh Bắc Ninh, đến ngày 31/12, các cơ sở sản xuất, tái chế kim loại trong khu dân cư vi phạm về môi trường, phòng cháy chữa cháy và an toàn điện sẽ phải dừng sản xuất. Đối với các cơ sở đã giải tỏa vi phạm trong sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích nếu còn tái diễn tình trạng sẽ tiếp tục thực hiện giải tỏa. Huyện Yên Phong xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong xử lý ô nhiễm môi trường tại Văn Môn và phải phân công rõ trách nhiệm cho từng cán bộ thực hiện. Đồng thời, huyện Yên Phong khẩn trương thực hiện dự án đầu tư khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn làng nghề xã Văn Môn; đề xuất đơn giá xử lý xỉ thải, báo cáo UBND tỉnh.
Được biết, từ ngày 8 - 19/11, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành kiểm tra 74/96 cơ sở (đạt 77%). Qua kiểm tra, phát hiện 622 hành vi vi phạm; đã tiến hành lập 76 biên bản vi phạm hành chính đối với 71 cơ sở (do 3 cơ sở chưa lên làm việc, 5 cơ sở lập 2 biên bản vi phạm); tổng số tiền xử phạt hơn 30,5 tỷ đồng và 50 hình phạt bổ sung được áp dụng.