TPHCM có 31 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 12:00, 24/11/2024

Với 31 vị trí sạt lở ảnh hưởng đến 427 hộ dân, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tăng cường tháo gỡ khó khăn, khẩn trương thực hiện giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

UBND TPHCM vừa công bố danh sách 31 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch được đánh giá nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm trong năm 2024. Những vị trí này ảnh hưởng trực tiếp đến 427 hộ dân trên địa bàn, đòi hỏi các giải pháp khẩn trương để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Trong danh sách, có 8 vị trí được đánh giá đặc biệt nguy hiểm và 23 vị trí ở mức nguy hiểm. Huyện Nhà Bè là địa phương có số lượng điểm sạt lở cao nhất với 7 vị trí, gồm bờ trái và phải cầu Long Kiểng, bờ phải thượng lưu cầu Phước Lộc, bờ trái và phải rạch Giồng - sông Kinh Lộ, bờ trái rạch Dơi…

sl1.jpeg
Điểm sạt lở tại rạch Giồng Ông Tố, thành phố Thủ Đức

TP Thủ Đức ghi nhận 5 vị trí, trong đó có 2 điểm đặc biệt nguy hiểm tại bờ phải và bờ trái rạch Giồng Ông Tố ảnh hưởng 19 hộ dân, cùng 3 điểm sạt lở nguy hiểm tại bờ phải sông Đồng Nai, bờ trái sông Sài Gòn và đoạn sông Đồng Nai qua trạm cảnh sát đường thủy Cát Lái.

Huyện Cần Giờ và quận Bình Thạnh có cùng 5 điểm sạt lở, các vị trí còn lại nằm rải rác tại Quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh.

Hiện tại, trong số 31 vị trí sạt lở, có 17 vị trí đã được phê duyệt dự án xây dựng bờ kè với tổng chiều dài hơn 16 km và tổng vốn đầu tư hơn 3.370 tỉ đồng. Tuy nhiên, 14 vị trí vẫn chưa có dự án xây kè, gây nhiều lo ngại trong việc bảo vệ người dân trước nguy cơ sạt lở tiếp diễn.

UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tăng cường tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ lập và thẩm định các dự án bờ kè. Các đơn vị được giao làm chủ đầu tư cần sớm triển khai thi công để hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng, nhằm bảo vệ khu dân cư trong vùng bị ảnh hưởng.

Mặt khác, thành phố cũng yêu cầu Công an thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải và các địa phương tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép.

sat-11.jpg

Các tuyến sông trọng điểm như sông Sài Gòn (huyện Củ Chi), sông Đồng Nai (TP Thủ Đức), sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp và vùng ven biển huyện Cần Giờ sẽ được giám sát chặt chẽ.

Bên cạnh đó, các quận - huyện được giao kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch. Tại các khu vực đã xảy ra sạt lở, cần rào chắn, khoanh vùng để đảm bảo an toàn, đồng thời theo dõi sát sao diễn biến để hỗ trợ kịp thời người dân di dời tài sản đến nơi tạm cư.

Nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống sạt lở, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn được giao đẩy nhanh tiến độ các dự án nâng cấp thủy lợi tại bờ hữu sông Sài Gòn (huyện Củ Chi, Quận 12, Hóc Môn).

Song song đó, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM phối hợp với Sở Giao thông Vận tải ưu tiên tháo gỡ vướng mắc để sớm trình UBND TPHCM báo cáo HĐND TPHCM về các dự án trọng điểm như kè chống sạt lở bờ phải sông Sài Gòn (quận Bình Thạnh) và bờ sông Giồng Ông Tố (TP Thủ Đức).

Sạt lở đất có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Dưới đây là một số tác động chính:

Thiệt hại về đất đai: Sạt lở đất làm mất đi lớp đất màu mỡ, gây khó khăn cho việc trồng trọt và phục hồi hệ sinh thái.

Mất đa dạng sinh học: Lũ quét và sạt lở có thể phá hủy môi trường sống của nhiều loài động thực vật, dẫn đến giảm đa dạng sinh học.

Ô nhiễm nguồn nước: Sạt lở có thể mang theo chất thải, hóa chất và rác thải, gây ô nhiễm các nguồn nước như sông, suối.

Tăng nguy cơ thiên tai: Những khu vực đã trải qua lũ quét và sạt lở đất có thể dễ bị tổn thương hơn trong các trận lũ lụt hoặc sạt lở tiếp theo.

Hủy hoại cơ sở hạ tầng: Các công trình như cầu, đường giao thông và nhà cửa có thể bị phá hủy, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế.

Thay đổi địa hình: Sạt lở có thể làm thay đổi cấu trúc địa hình, ảnh hưởng đến dòng chảy của nước và làm tăng khả năng xảy ra lũ quét trong tương lai.

Hoàng Thơ