Bình Định: Mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 09:30, 25/11/2024

Từ ngày 22-24/11, trên địa bàn tỉnh Bình Định có mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa trung bình là 145mm. Đợt mưa này đã xuất hiện lũ trên thượng lưu Sông Kôn tại Vĩnh Sơn và sông An Lão tại An Hòa trên báo động 2.
Môi trường - Tài nguyên

Bình Định: Mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn

Thanh Thanh 25/11/2024 09:30

Từ ngày 22-24/11, trên địa bàn tỉnh Bình Định có mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa trung bình là 145mm. Đợt mưa này đã xuất hiện lũ trên thượng lưu Sông Kôn tại Vĩnh Sơn và sông An Lão tại An Hòa trên báo động 2.

Cụ thể, vào tối ngày 24/11, Văn phòng thường trực về phòng chống thiên tai tỉnh Bình Định đã có báo cáo nhanh về tình hình mưa lũ và sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn.

Theo đó, từ ngày 22-24/11, trên địa bàn tỉnh Bình Định có mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa trung bình là 145mm. Đợt mưa này đã xuất hiện lũ trên thượng lưu Sông Kôn tại Vĩnh Sơn và sông An Lão tại An Hòa trên báo động 2.

Đặc biệt, mưa lớn trên địa bàn huyện An Lão gây ngập, sạt lở đất các tuyến đường giao thông và các hộ dân cư.

capture.png
Mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Bình Định

Mưa đã làm 14 điểm ngập nước với chiều dài ngập khoảng 600m, gồm: cầu qua khu kinh tế Trung Hưng, cầu tràn tràn thôn 3 đi thôn 8 xã An Trung, cầu tràn thôn 7 xã An Vinh, cầu tràn nước Rấp thôn 3 xã An Vinh, cầu tràn nước Xê Ry thôn 2 xã An Toàn, cầu tràn thôn 5 đi thôn 6 xã An Quang, cầu tràn thôn 4 xã An Nghĩa, cầu tràn thôn 2 xã An Nghĩa (2 vị trí), 4 tuyến đường nối từ ĐT629 đến khu dân cư thôn Trà Cong, và tuyến đường ĐT629 (đoạn thôn Trà Cong).

Mưa lớn cũng làm 5 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất gồm 1 hộ ở xã An Quang, 3 xã ở An Vinh và 1 hộ ở xã An Nghĩa. Hiện các hộ dân này đã được lực lượng xung kích phòng chống thiên tai xã hỗ trợ khắc phục.

Bên cạnh đó, mưa lũ còn gây ra sạt lở 7 điểm ở các tuyến đường giao thông ở xã An Quang, An Vinh, An Hưng với khoảng gần 1.000m3 khối lượng đất đá bị sạt lở.

Trong số đó, tuyến đường thôn 4 đi La Vuông (xã An Hưng) bị sạt lở 1 điểm tại Suối Ngang, khối lượng sạt lở ước tính khoảng 400m3, chiều dài sạt lở khoảng 20m; Tuyến đường thôn 5 đi thôn 6 (xã An Quang) bị sạt lở 1 điểm, khối lượng sạt lở ước tính khoảng 200m3, chiều dài sạt lở khoảng 20m; Tuyến đường xã An Quang đi An Toàn, sạt lở tại Suối Tình Cảm (vị trí đã sạt lở trong đợt mưa lũ trước), khối lượng đất sạt lở khoảng 100m3, chiều dài sạt lở khoảng 30m…

Hiện các địa phương đang khẩn trương chủ động khắc phục các vị trí sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt. Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn người dân đi qua các điểm xung yếu, sạt lở, bảo đảm an toàn khi lưu thông trên các vùng có mưa lũ, sạt lở đất; tổ chức trực ban 24/24 giờ thường xuyên theo dõi tình hình mưa lũ, nguy cơ các điểm sạt lở đất khu dân cư để chủ động di dời kịp thời.

Mưa lũ và sạt lở đất gây ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên. Lũ lụt cuốn trôi đất đai màu mỡ, gây xói mòn và làm suy giảm chất lượng đất, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Sạt lở đất phá hủy hệ sinh thái rừng, mất đi nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật, và làm ô nhiễm nguồn nước bởi bùn đất, hóa chất hoặc rác thải.

Ngoài ra, các hiện tượng này cũng gia tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh, do môi trường bị ô nhiễm và sự xáo trộn cân bằng sinh thái. Tất cả đều góp phần đẩy nhanh quá trình suy thoái môi trường nếu không được kiểm soát hiệu quả.

Thanh Thanh