COP29: Các quốc gia đạt thỏa thuận 300 tỷ USD về biến đổi khí hậu sau hàng giờ căng thẳng
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:30, 25/11/2024
COP29: Các quốc gia đạt thỏa thuận 300 tỷ USD về biến đổi khí hậu sau hàng giờ căng thẳng
Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) đã đạt được thoả thuận hỗ trợ 300 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển và dễ bị tổn thương ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo hãng tin CNN, thỏa thuận trên được thông qua sau hơn 2 tuần đàm phán căng thẳng dẫn tới tình trạng hỗn loạn tại COP29 khi một số nhóm đại diện cho các đảo quốc nhỏ và những nước kém phát triển đã bước ra khỏi bàn đàm phán trong những giờ cuối cùng.
Tuy nhiên, sau đó các cuộc đàm phán tiếp tục diễn ra và khoảng 30 giờ sau hạn chót, các bên đã chấp nhận nhượng bộ để thông qua thỏa thuận về biến đổi khí hậu có sự chấp thuận của gần 200 quốc gia.
Theo đó, các nước giàu sẽ chi 300 tỷ USD/năm để hỗ trợ những quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương để đối phó với điều kiện thời tiết ngày càng trở nên cực đoan hơn đồng thời chuyển dịch nền kinh tế của họ theo hướng sử dụng năng lượng sạch.
"Đây là hành trình vô cùng khó khăn nhưng cuối cùng chúng ta cũng đã đạt được thỏa thuận. Mục tiêu tài chính này chính là một dạng chính sách bảo hiểm nhân đạo trong bối cảnh tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng đến mọi quốc gia", ông Simon Stiell, người đứng đầu Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu tuyên bố.
Song, con số 300 tỷ USD/năm được cho là quá thấp so với số tiền 1,3 nghìn tỷ USD mà các nhà kinh tế học ước tính là cần thiết để các nước phát triển đối phó với cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia đang phát triển phản ứng gay gắt với cam kết từ các nước phát triển.
Đại diện Ấn Độ Chandni Raina cũng chỉ trích con số 300 tỷ USD chỉ như "muối bỏ bể" và cho rằng thỏa thuận nói trên chỉ là ảo vọng và sẽ không thể giúp giải quyết những thách thức khổng lồ mà thế giới đang phải đối mặt.
"Chúng ta rời hội nghị với khoản đóng góp quá nhỏ so với những gì mà các quốc gia bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu đang rất cần", bà Tina Stege, đại diện Quần đảo Marshall nhấn mạnh.
Trước đó, nhóm G77 đại diện cho các nước đang phát triển đã kêu gọi các nước phát triển đóng góp số tiền 550 tỷ USD/năm. Song các nước giàu có đã từ chối với lý do con số này là không thực tế nếu xét đến hiện trạng kinh tế toàn cầu.