Quảng Ngãi: Khẩn trương khắc phục tình trạng ô nhiễm cảng cá
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 14:02, 27/11/2024
Quảng Ngãi: Khẩn trương khắc phục tình trạng ô nhiễm cảng cá
Dù tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hệ thống thu gom, trạm xử lý nước thải tại các cảng cá trong những năm qua, tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục.
Theo đó, nhằm bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Luật Thủy sản, giúp việc quản lý tàu thuyền, truy xuất nguồn gốc chặt chẽ, đồng thời góp phần gỡ cảnh báo 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu (EC), những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hệ thống thu gom, trạm xử lý nước thải tại các cảng cá. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục.
Tại cảng cá Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, mặc dù có hệ thống thu gom, lắng lọc nước thải, nhưng tình trạng ô nhiễm rất nghiêm trọng. Trên cầu cảng, nước thải, xác hải sản vương vãi khắp nơi nhưng không được thu gom, xử lý. Dưới mặt nước thì đủ loại rác thải trôi nổi bập bềnh. Không chỉ vậy, nhiều tàu cá được ngư dân vệ sinh, bơm nước rửa hầm cá đen ngòm, rồi xả thẳng xuống biển. Thậm chí, chủ tàu cá còn sử dụng nước biển tại chỗ để bơm vào khoang rã đông hải sản, dù biết nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
Một số ngư dân ở thành phố Quảng Ngãi cho biết, môi trường ở cảng Tịnh Kỳ ô nhiễm hơn những nơi khác. Mùi hôi thối từ nước thải, rác thải khiến không khí rất ngột ngạt. Nước thải chảy xuống sông Bài Ca nhưng quanh quẩn tại cửa biển không thoát được nên khi có gió bốc mùi hôi thối.
Tương tự, tại cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng kéo dài nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý triệt để. Dù cảng này đã được đầu tư hệ thống thu gom, lắng lọc, xử lý nước thải với tổng số vốn 3,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí vận hành nên hệ thống không thể hoạt động thường xuyên.
Giám đốc Ban quản lý Các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đình Trung cho biết, hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các cảng cá được đầu tư xây dựng đúng thiết kế, đảm bảo các tiêu chí quy định. Tuy nhiên, do các cảng cá đang hoạt động tự chủ, nguồn thu chỉ đủ trả lương cho cán bộ, nhân viên. Không đủ kinh phí để vận hành các hệ thống này thường xuyên.
Ông Nguyễn Đình Trung cũng kiến nghị, để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cảng cá, đề nghị Nhà nước bố trí nguồn kinh phí để đảm bảo hoạt động của hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đợt thu gom, xử lý rác tại các cảng cá; yêu cầu các đơn vị kinh doanh tại khu vực cảng ký cam kết không xả thải, vứt rác bừa bãi; có chế tài xử lý đối với những trường hợp vi phạm các quy định về môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân, người dân nâng cao ý thức thu gom, xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 5 cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được UBND tỉnh công nhận cảng cá loại II và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố là cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Ô nhiễm tại các cảng cá gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, đặc biệt là hệ sinh thái biển và sức khỏe cộng đồng. Chất thải từ hoạt động đánh bắt và chế biến hải sản, bao gồm dầu mỡ, rác thải nhựa, và hóa chất, có thể làm ô nhiễm nguồn nước, gây hại cho các loài thủy sinh. Ngoài ra, lượng chất hữu cơ dư thừa trong nước dễ dẫn đến hiện tượng phú dưỡng, làm giảm lượng oxy và gây chết hàng loạt sinh vật biển. Khí thải từ tàu thuyền và hoạt động vận chuyển cũng góp phần gia tăng ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Nếu không có biện pháp kiểm soát, ô nhiễm tại cảng cá không chỉ đe dọa sinh kế của người dân mà còn ảnh hưởng lâu dài đến cân bằng môi trường và sự bền vững của ngành thủy sản.