Hàn Quốc nâng cấp mức độ ứng phó thảm họa thời tiết khắc nghiệt do tuyết rơi kỷ lục
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:28, 29/11/2024
Hàn Quốc nâng cấp mức độ ứng phó thảm họa thời tiết khắc nghiệt do tuyết rơi kỷ lục
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã yêu cầu chính quyền quản lý chặt chẽ thời tiết khắc nghiệt để giảm thiểu thiệt hại cho người dân, đồng thời đảm bảo giao thông xuyên suốt trong giờ cao điểm những ngày tới.
Ngày 27/11 vừa qua, Thủ đô Seoul, Hàn Quốc đã đón trận tuyết dày kỷ lục khiến giao thông thành phố bị tắc nghẽn và mất điện trên diện rộng. Trong điều kiện thời tiết xấu, hàng trăm chuyến bay đã phải hủy. Chính quyền thành phố Seoul hiện đã sẵn sàng ứng phó với những trận tuyết rơi dày đặc hơn trong những ngày tới. Bộ Nội vụ Hàn Quốc cũng nâng cấp mức độ ứng phó với thảm họa lên trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt chưa chấm dứt.
Chỉ trong một đêm, luồng không khí lạnh di chuyển từ hướng Tây Bắc đã biến mưa thành tuyết. Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (Korea Meteorological Administration - KMA) đã ghi nhận lớp tuyết dày tới 18cm trên mặt đất vào thời điểm 3h chiều. Đây được ghi nhận là lượng tuyết lớn nhất kể từ khi được ghi chép vào hồ sơ năm 1907 tới nay.
Theo dự báo, tình hình tuyết rơi càng dày đặc hơn từ giờ cho tới ngày 28/11. Ước tính cứ mỗi giờ lại có thêm 5 cm tuyết rơi. Tuyết ướt có độ ẩm cao càng làm tăng nguy cơ thiệt hại cho tài sản và các thiết bị hạ tầng.
Theo báo cáo, có ít nhất 2 người đã thiệt mạng trong các vụ giao thông trên đường xa lộ ở phía Đông Seoul trong những ngày tuyết rơi dày đặc vừa qua. Truyền thông nước này đưa tin, do gió mạnh, các mảnh vỡ rơi xuống từ các tòa nhà và công trường xây dựng còn làm một số người đi bộ bị thương.
Có tổng số hơn 200 chuyến bay bị hủy và hoãn tại Seoul kể từ hôm có tuyết rơi. Hầu hết các chuyến đều là bay nội địa vì sân bay trên khắp Hàn Quốc đều gặp điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ngoài ra, có ít nhất 70 phà di chuyển giữa các đảo cũng bị đình chỉ hoạt động. Do tình hình gió tuyết mạnh, cây đổ đã khiến đường dây điện hư hỏng nặng. Hàng nghìn hộ dân ở khu vực trung tâm Seoul đã bị cắt điện.
Tuyết rơi nhiều có thể gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường. Lượng tuyết dày đặc có thể làm tăng nguy cơ sạt lở tuyết, gây hại cho hệ sinh thái tự nhiên và phá hủy môi trường sống của động vật hoang dã. Khi tuyết tan, lượng nước lớn có thể dẫn đến lũ lụt, làm xói mòn đất và cuốn trôi các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng. Ngoài ra, việc sử dụng muối và hóa chất để làm tan tuyết trên đường có thể gây ô nhiễm đất và nguồn nước, ảnh hưởng đến đời sống của các sinh vật thủy sinh. Tình trạng này cũng làm tăng lượng khí thải carbon từ các phương tiện và máy móc dùng để dọn tuyết, góp phần vào hiện tượng ấm lên toàn cầu.