Cháy rừng tràm, keo hơn chục năm tuổi ở Quảng Ninh

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 12:45, 30/11/2024

Vào hồi 15 giờ ngày 29/11, tại khu rừng thuộc địa phận tổ 4, phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) xảy ra cháy rừng trồng cây tràm, keo của người dân.

Do thời tiết hanh khô, gió thổi mạnh, cùng với lớp phủ bì khô dày khiến đám cháy lan ra rất nhanh, lửa bùng lên dữ dội. Hàng chục héc ta rừng đã hơn chục năm tuổi có nguy cơ bị thiêu rụi hoàn toàn. Sẽ là rất nguy hiểm nếu như đám cháy lan xuống dưới chân đồi, nơi có nhiều hộ dân sinh sống.

chay-14.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 181 tham gia giúp dân chữa cháy rừng

Nhận được tin báo của chính quyền địa phương, Tiểu đoàn 181, Trung đoàn 213, Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không – Không quân đã kịp thời báo cáo lên trên, đồng thời huy động 30 cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện và các trang thiết bị dập lửa có mặt tại hiện trường phối hợp với các lực lượng và người dân tham gia chữa cháy.

Địa hình đồi dốc cao, hiểm trở, có nhiều cỏ và bụi cây khô, nên lực lượng chữa cháy rất khó tiếp cận với hiện trường. Bất chấp hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã phối hợp cùng các lực lượng tìm cách tiếp cận khu vực cháy, sử dụng bình cứu hỏa, máy thổi và các dụng cụ cầm tay phát quang tạo đường băng cản lửa, từng bước khoanh vùng, cô lập đám cháy.

Với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, tất cả vì tính mạng và tài sản của nhân dân, sau hơn 3 giờ chiến đấu với "giặc lửa", đến 18 giờ 30 phút cùng ngày, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người cùng phương tiện, trang bị.

Cháy rừng gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đối với môi trường, bao gồm:

1. Mất mát đa dạng sinh học: Cháy rừng tiêu diệt nhiều loài thực vật và động vật, dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học và mất đi các hệ sinh thái quý giá.

2. Ô nhiễm không khí: Khói và khí thải từ cháy rừng phát tán các chất ô nhiễm, gây hại cho sức khỏe con người và làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí.

3. Đất đai suy thoái: Cháy rừng làm mất đi lớp đất mùn, khiến đất trở nên kém màu mỡ, dễ bị xói mòn và khó phục hồi.

4. Biến đổi khí hậu: Cháy rừng phát thải carbon dioxide và các khí nhà kính khác, góp phần làm tăng hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu toàn cầu.

5. Tác động đến nước: Cháy rừng làm giảm khả năng giữ nước của đất, dẫn đến tình trạng thiếu nước và xói mòn đất, ảnh hưởng đến nguồn nước và hệ sinh thái thủy sinh.

6. Ảnh hưởng đến cộng đồng: Cháy rừng có thể gây ra thiệt hại về tài sản, đe dọa tính mạng con người và gây ra sự di dời cho các cộng đồng sống gần rừng.

Hoàng Thơ