Thành phố Hồ Chí Minh cấp bách ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 18:30, 02/12/2024

Nếu không hành động ngay từ bây giờ, có khoảng 9,2 triệu người tại TP. Hồ Chí Minh sẽ chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu vào năm 2070.

Trong kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giảm 10% khí phát thải vào năm 2030 và tỷ lệ này sẽ tăng lên 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế. Để đạt được mục tiêu, Thành phố sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ phát huy nội lực đến đẩy mạnh hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển bền vững.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, TP. Hồ Chí Minh đã và đang phải chịu tác động nặng nề của BĐKH. Chẳng hạn như mưa cực đoan nhiều hơn; lượng mưa dưới ảnh hưởng của BĐKH có xu hướng tăng trong giai đoạn 1980 - 2017 và sự gia tăng lượng mưa sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai với gia tăng dự đoán khoảng 5% - 13%. Vào mùa khô, nắng nóng cũng sẽ kéo dài hơn và thiệt hại về kinh tế sẽ ngày một gia tăng.

Nghiên cứu của Viện TN&MT cho thấy, TP. Hồ Chí Minh chịu tổn thương cao trước những tác động của các hiện tượng cực đoan khí hậu. Nghiên cứu cũng nêu rõ vào năm 2070, TP. Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 9,2 triệu người bị phơi nhiễm (chịu tác động của BĐKH như ngập lụt, hạn hán, nước biển dâng, mưa, bão...).

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Would Bank tại Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh có thể gặp thiệt hại lên đến 50 triệu USD mỗi năm về kinh tế do BĐKH. Theo ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND, TP. Hồ Chí Minh là 1 trong 10 thành phố trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Đây là thách thức to lớn đến sự phát triển bền vững của TP. Hồ Chí Minh trong tương lai.

ly1143ok.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh cấp bách ứng phó với biến đổi khí hậu

Nhận thức rõ ảnh hưởng của BĐKH có tính lâu dài, TP. Hồ Chí Minh đã tích cực chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai; khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững; kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

TP. Hồ Chí Minh từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng bộ công cụ quản lý, tập trung nguồn lực để thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ đề ra. Kết quả đáng ghi nhận của Thành phố phải kể đến đó là Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH được xây dựng và triển khai theo từng giai đoạn (giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 và giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050).

Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH đã có một số đột phá và đạt kết quả tích cực như hoàn thành kiểm kê khí nhà kính tại TP. Hồ Chí Minh. Qua đó, tận dụng nguồn lực quốc tế để đào tạo, tiếp tục thực hiện kiểm kê trong các năm tiếp theo với mục tiêu trở thành một trong những Thành phố dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực kiểm kê khí nhà kính.

Thành phố đã tập trung nghiên cứu, đánh giá tác động của BĐKH đến sự phát triển KT-XH của Thành phố. Các kết quả nghiên cứu đã làm rõ những tác động của BĐKH đến các lĩnh vực và đưa ra các giải pháp thích ứng, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong một số lĩnh vực hướng tới xã hội các-bon thấp. Nhiều nhóm giải pháp quy trình, công nghệ về tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải môi trường góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với nguồn nước, cấp thoát nước, chống ngập, kiểm soát xâm nhập mặn, quản lý đô thị tại TP. Hồ Chí Minh trong điều kiện BĐKH.

Trong thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh giữ vai trò tích cực trong nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai qua việc phối hợp với cơ quan Trung ương là Đài KTTV Khu vực Nam Bộ phát bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thủy văn, thiên tai riêng cho khu vực TP. Hồ Chí Minh.

Xây dựng ứng dụng (app) phòng chống thiên tai cho TP. Hồ Chí Minh trên thiết bị điện thoại thông minh (các thông tin văn bản pháp luật, tin cảnh báo thiên tai, bản đồ vị trí di dời, tính năng phản ánh cứu nạn, cứu hộ,...), từ đó phát huy hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ người dân và chính quyền các cấp trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh xây dựng các phương án phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai có nguy cơ xảy ra trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc điều tiết tích nước và xả nước hợp lý, phòng tránh xảy ra tổ hợp bất lợi triều cường, mưa lớn kết hợp xả lũ.

Tại hội nghị COP26, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, giai đoạn 2020 - 2030, TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai 56 chương trình, dự án để thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ chính: Giảm phát thải khí nhà kính; thích ứng với BĐKH và chuẩn bị nguồn nhân lực.

TP. Hồ Chí Minh đã ban hành “Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh”. Một trong những giải pháp được đặt ra trong thỏa thuận này là cần phải tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ.

Theo đó, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia thương mại và xúc tiến đầu tư với các nước trên thế giới trong chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, thu hồi khí thải và các dự án hỗ trợ tăng cường năng lực thích nghi với tác động của BĐKH. Thông qua Kế hoạch, TP. Hồ Chí Minh cũng tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, hợp tác công - tư (PPP) nhằm huy động mạnh mẽ và hiệu quả hơn mọi nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh hóa.

Về lâu dài, để đạt được các mục tiêu và giảm thiểu những tác động do BĐKH gây ra, Thành phố sẽ triển khai các giải pháp trọng tâm như: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về ứng phó với BĐKH trong các lĩnh vực có liên quan ở cấp Thành phố; tăng cường quản lý tổng hợp để giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với ứng phó BĐKH thông qua việc lồng ghép các yếu tố và mục tiêu ứng phó BĐKH cùng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH; nghiên cứu giải pháp liên kết vùng và các lĩnh vực trong triển khai hoạt động ứng phó với BĐKH.

Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ trong việc xây dựng, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về khí hậu, thủy văn, TN&MT, phục vụ việc giám sát, dự báo, cảnh báo, đề xuất giải pháp ứng phó BĐKH. Song song đó là các giải pháp đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nhận được hỗ trợ về công nghệ, tài chính, con người, giúp Thành phố ứng phó hiệu quả với BĐKH.

Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh sẽ chủ động thúc đẩy các cơ chế hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh trao đổi , hợp tác đầu tư và triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo khung pháp lý thuận lợi để tiếp nhận các nguồn lực cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, thu hồi khí thải và các dự án hỗ trợ tăng cường năng lực thích nghi với tác động của BĐKH cho các khu vực dễ bị tổn thương.

Hoàng Thơ