Liên tiếp xảy ra 2 trận động đất tại huyện Kon Plông, Kon Tum

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 13:00, 04/12/2024

Theo Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), tối 3/12, một trận động đất có độ lớn 3,8 đã xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; không gây thiệt hại về người và tài sản.

Cụ thể, trận động đất xảy ra lúc 21 giờ 15 phút 21 giây (giờ Hà Nội), có tọa độ 14.976 độ Vĩ Bắc, 108.173 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km; độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Tiếp đó, lúc 22 giờ 33 phút 46 giây (giờ Hà Nội) tối cùng ngày, một trận động đất có độ lớn 2.6 xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.932 độ vĩ Bắc, 108.156 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km cũng xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

screenshot-2024-12-04-043632-06910959903770934371761.png
Động đất liên tục được ghi nhận ở huyện Kon Plông (Kon Tum)

Động đất tại khu vực huyện Kon Plông được các chuyên gia nhận định là động đất kích thích, xảy ra thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay.

Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh cho biết, các trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5,0, mức độ động đất dù xảy ra nhiều nhưng chưa đến mức cảnh báo rủi ro. Viện Vật lý Địa cầu thường xuyên thông tin về động đất đến chính quyền và người dân trong khu vực.

Cũng trong tối ngày 3/12, tại khu vực huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam xảy ra một trận động đất có độ lớn 2.5 xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.969 độ vĩ Bắc, 108.137 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo, khi xảy ra động đất, người dân nên bám chặt vào một khung cửa hoặc chui xuống gầm bàn trong trường hợp ở tòa nhà có kết cấu vững chắc.

Nếu ở ngoài trời, người dân cần tránh xa các đường dây điện, cột điện, nên chạy tới vùng đất trống. Nếu đang lái xe, người dân cố gắng tấp vào bên đường và dừng lại.

Động đất là một trong những hiện tượng tự nhiên có thể tác động mạnh mẽ đến môi trường. Các tác động cụ thể bao gồm:

1. Thay đổi địa hình

Động đất có thể làm dịch chuyển các mảng địa chất, tạo ra các đứt gãy, sụt lún, hoặc nâng cao mặt đất. Hậu quả là thay đổi cảnh quan tự nhiên như hình thành núi mới, thung lũng, hoặc làm biến mất hồ nước.

2. Ảnh hưởng đến hệ sinh thái

Động đất có thể phá hủy môi trường sống của nhiều loài sinh vật, làm mất cân bằng sinh thái. Nếu động đất xảy ra dưới đáy biển, nó có thể gây ra sóng thần, phá hủy các rạn san hô và làm biến đổi môi trường biển.

3. Làm ô nhiễm nguồn nước

Sự đứt gãy địa tầng có thể làm gián đoạn các mạch nước ngầm, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Các chất độc từ cơ sở hạ tầng bị hư hại (như hóa chất từ nhà máy) có thể rò rỉ vào nguồn nước.

4. Gây xói mòn và lở đất

Các trận động đất mạnh thường gây ra xói mòn đất và sạt lở núi, ảnh hưởng đến lớp đất canh tác và làm tăng nguy cơ sa mạc hóa.

5. Phát thải khí độc hại

Động đất có thể làm vỡ các mạch dẫn khí, dẫn đến rò rỉ khí độc như methane hoặc các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần vào biến đổi khí hậu.

6. Tác động đến con người và cộng đồng

Phá hủy cơ sở hạ tầng, nhà cửa và đường giao thông có thể tạo ra rác thải xây dựng khổng lồ, gây áp lực lớn lên môi trường khi xử lý. Các vùng bị động đất thường cần thời gian dài để tái thiết và khôi phục môi trường tự nhiên.

Hoàng Thơ