Vụ Xuân 2025: Cần chủ động giải pháp ứng phó tình trạng nguồn nước bị nhiễm mặn

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 13:00, 05/12/2024

Đối với các công trình có khả năng lấy nước không hiệu quả trong vụ Xuân 2025, Hà Nội và các tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ cần nghiên cứu, xây dựng giải pháp nhằm đảm bảo bổ sung đủ nguồn nước thay thế, hoặc chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước.
Môi trường - Tài nguyên

Vụ Xuân 2025: Cần chủ động giải pháp ứng phó tình trạng nguồn nước bị nhiễm mặn

Thanh Thanh 05/12/2024 13:00

Đối với các công trình có khả năng lấy nước không hiệu quả trong vụ Xuân 2025, Hà Nội và các tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ cần nghiên cứu, xây dựng giải pháp nhằm đảm bảo bổ sung đủ nguồn nước thay thế, hoặc chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước.

Trên cơ sở đánh giá tình hình nguồn nước và năng lực chống hạn của các địa phương, Bộ NN&PTNT đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, phối hợp tổ chức 2 đợt lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Xuân 2025 cho khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Theo đó, sẽ có 2 đợt lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2025. Cụ thể, đợt 1 từ 0 giờ ngày 12/1 đến 24 giờ ngày 16/1/2025 (5 ngày); đợt 2 từ 0 giờ ngày 08/2 đến 24 giờ ngày 14/2/2025 (7 ngày). Tổng thời gian 2 đợt lấy nước là 12 ngày.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, hiện nay Hà Nội và các tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đang tập trung xây dựng kế hoạch lấy nước phù hợp, bảo đảm cung cấp đủ nước cho các diện tích gieo cấy có nhu cầu lấy nước từ hệ thống sông Hồng trong 2 đợt lấy nước.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết, đơn vị đang khẩn trương rà soát, đánh giá khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi dọc sông, tương ứng với mực nước dự kiến trong hai đợt lấy nước. Trong đó, có lưu ý đến tình trạng mực nước sông Hồng có thể hạ thấp hơn do lòng dẫn bị biến động do ảnh hưởng của lũ sau cơn bão số 3.

capture(2).png
Hiện nay Hà Nội và các tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đang tập trung xây dựng kế hoạch lấy nước phù hợp, bảo đảm cung cấp đủ nước cho các diện tích gieo cấy có nhu cầu lấy nước từ hệ thống sông Hồng trong 2 đợt lấy nước

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, một trong những vấn đề mà Bộ quan tâm, lưu ý các tỉnh, TP là tình trạng nhiễm mặn của nguồn nước. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị UBND TP Hải Phòng và các tỉnh ven biển chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện quan trắc độ mặn, đánh giá, dự báo tình hình xâm nhập mặn ở hạ du các sông; chủ động thực hiện các giải pháp thích ứng với tình trạng xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt.

Đối với Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết Bộ NN&PTNT đã có ý kiến chỉ đạo xây dựng cụ thể kế hoạch vận hành trạm bơm dã chiến Xuân Quan; tăng cường tổ chức lấy nước ngược vào hệ thống qua các cống Cầu Xe, An Thổ khi điều kiện độ mặn cho phép (độ mặn ≤1‰).

“Các địa phương tổ chức lấy nước từ hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, lấy nước trực tiếp từ sông ngoài cần chủ động đo đạc độ mặn trước khi lấy nước vào ruộng, bảo đảm chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Xuân 2025…” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh lưu ý.

Việc nguồn nước bị nhiễm mặn gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với sản xuất nông nghiệp và môi trường. Nước nhiễm mặn làm giảm khả năng sinh trưởng và phát triển của cây trồng, đặc biệt là các loại cây ngọt như lúa, rau màu, vì mặn làm giảm khả năng hút nước và dưỡng chất của cây. Hệ sinh thái nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng, khiến năng suất giảm và đất đai bị thoái hóa, dẫn đến sự mất mát về sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, môi trường đất cũng bị xâm nhập mặn, khiến đất trở nên khô cằn và khó canh tác, làm giảm độ màu mỡ của đất, gây khó khăn cho người dân trong việc duy trì sản xuất lâu dài.

Thanh Thanh