Vaccine - Giải pháp tối ưu phòng chống sốt xuất huyết
Y tế - Ngày đăng : 12:00, 05/12/2024
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tuần qua, TP ghi nhận 585 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) (tăng 89 trường hợp so với tuần trước đó). Bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, TP có 7.824 ca mắc SXH.
Về ổ dịch, trong tuần ghi nhận 33 ổ dịch SXH tại 12 quận, huyện. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, TP ghi nhận 434 ổ dịch SXH. Hiện còn 45 ổ dịch đang hoạt động.
Bộ Y tế cho biết, những năm gần đây, SXH đã quay trở lại và là một trong những dịch bệnh đang được quan tâm trong công tác phòng chống dịch. Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận trên 114.900 ca SXH, trong đó có 18 ca tử vong.
Tại tọa đàm "Phòng tránh SXH - Những giải pháp nào hiệu quả?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, mỗi năm, Việt Nam có khoảng gần 200.000 trường hợp mắc, tạo ra gánh nặng về kinh tế cho người dân rất lớn. Cách đây 7 năm, Bộ Y tế đã có một nghiên cứu đánh giá về tài chính cho công tác phòng chống sốt xuất huyết. Theo đó, mỗi người nhập viện tốn từ 6-10 triệu đồng, cộng với mỗi người nhập viện cần ít nhất một người nhà đi theo chăm sóc, tạo ra gánh nặng về kinh tế- xã hội rất lớn.
Cục trưởng Hoàng Minh Đức cho biết thêm, hiện nay công tác phòng chống sốt xuất huyết vẫn còn những khoảng trống. Trước khi có vaccine, chúng ta thực hiện các phương pháp truyền thống như tiêu diệt vector trung gian truyền bệnh. Tuy là phương pháp hiệu quả nhất, nhưng vẫn rất khó có thể tiêu duyệt hoàn toàn vector. Vì thế, quan trọng nhất vẫn cần có giải pháp tạo miễn dịch cho con người có thể kháng lại virus sốt xuất huyết. Vũ khí này sẽ góp phần giải quyết được bài toán về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết ở Việt Nam.
TS Hoàng Minh Đức lý giải thêm, trước đây, bọ gậy, muỗi chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau đó lan ra các vùng đô thị khác, có 11 tỉnh miền núi phía Bắc chưa ghi nhận ca SXH. Tuy nhiên, đến nay, muỗi vằn SXH đã di chuyển theo hệ thống giao thông, đô thị hoá của các tỉnh. Vì vậy, SXH cũng đã ghi nhận ca mắc tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Hiện SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. SXH gây ra bởi 4 type virus khác nhau và sự phát triển, đáp ứng miễn dịch của mỗi type rất phức tạp. Do vậy, việc dự báo cũng như đáp ứng tình hình dịch do các type virus đang gây ra rất khó khăn.
Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, vaccine vẫn là vũ khí hiệu quả nhất trong công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Hiện nay, trong 58 bệnh truyền nhiễm, có hơn 40 bệnh đã có vaccine. Vaccine SXH vừa được nước ta cấp phép vào tháng 5/2024. Hiện vaccine này đang được đưa vào chương trình tiêm dịch vụ, người dân tự trả tiền.
Có thể thấy, vaccine rất hiệu quả và giải quyết được bài toán về công tác phòng chống dịch SXH ở Việt Nam. Nếu tiêm vaccine phòng bệnh, tỷ lệ không nhiễm SXH là 85% và khi bị nhiễm thì hơn 90% không có triệu chứng nặng phải nhập viện.
Đánh giá về lợi ích của phương pháp phòng ngừa mới này, GS.TS Vũ Sinh Nam, Cố vấn cao cấp về Sốt xuất huyết - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổng thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam, nhận định: “Vaccine là công cụ bổ trợ quý giá cho những nỗ lực phòng ngừa hiện có của chúng ta như kiểm soát vector và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng.
Vaccine có thể giúp giảm số ca bệnh sốt xuất huyết nặng và tỉ lệ nhập viện, đặc biệt là ở các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em và người cao tuổi. Tuy nhiên, vaccine không ngăn ngừa được hoàn toàn các ca sốt xuất huyết.
Vì vậy, WHO khuyến nghị kiểm soát vector một cách toàn diện vẫn là yếu tố quan trọng trong chiến lược phòng, chống sốt xuất huyết. Hơn nữa, các vector muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết còn mang những virus nguy hiểm khác, bao gồm virus sốt vàng và Zika. Thành công của việc kiểm soát và phòng, chống sốt xuất huyết phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ban ngành và sự hưởng ứng của người dân.
Theo GS.TS Vũ Sinh Nam, ngoài tiêm vaccine thì vẫn phải song song với biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy để đảm bảo tính bền vững khi chúng ta sử dụng vaccine.
Chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới cũng hướng dẫn là ngoài việc sử dụng vaccine thì không thể lơ là công tác phòng, chống vector được. Điều này cũng thể hiện ở nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia.
Mặc dù các nước đã áp dụng tiêm vaccine nhưng vẫn đồng thời tiến hành các biện pháp diệt vector để đảm bảo tính bền vững của vaccine. Trong đó, cần giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng để sử dụng vaccine nhưng đồng thời tích cực tham gia chủ động loại bỏ dụng cụ phế thải, diệt loăng quăng, muỗi ở hộ gia đình để đảm bảo việc phòng chống có hiệu quả lâu dài.
Tiếp theo là phải tiếp tục công tác giám sát và cập nhật các thông tin về sốt xuất huyết và sẵn sàng phát hiện sớm những dấu hiệu bùng phát dịch để có biện pháp tổng hợp như vaccine và diệt vector để đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả.
Hướng dẫn vệ sinh môi trường để phòng chống sốt xuất huyết:
1. Diệt lăng quăng/bọ gậy
Tổ chức các hoạt động diệt lăng quăng/bộ gậy thường xuyên đến từng hộ gia đình thông qua hoạt động của cộng tác viên y tế, học sinh và các tổ chức quần chúng (dùng hóa chất diệt ấu trùng muỗi, thả cá, đậy nắp, loại bỏ vật dụng phế thải...)
2. Xử lý dụng cụ chứa nước (chum vại, bể nước mưa, cây cảnh...)
Dùng các biện pháp ngăn ngừa muỗi sinh đẻ (có nắp đậy thật kín...); thả cá hoặc các tác nhân sinh học khác trong dụng cụ chứa nước; lật úp các dụng cụ gia đình như xô, chậu, bát, máng nước gia cầm; khơi thông những vị trí có nước tù đọng, dọn rửa thường xuyên dụng cụ chứa nước lâu ngày.
3. Loại trừ ổ bọ gậy
Đối với bẫy kiến, lọ hoa, chậu cây cảnh, khay nước tủ lạnh hoặc điều hòa nhiệt độ: Dùng dầu hoặc cho muối vào, thay nước 1 lần/tuần, cọ rửa thành dụng cụ chứa nước để diệt trứng muỗi truyền bệnh; thu dọn, phá hủy các ổ chứa nước tự nhiên hoặc nhân tạo (chai, lọ, lu, vò vỡ, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa...); các hốc chứa nước tự nhiên (hốc cây, kẽ lá, gốc tre nứa...): loại bộ, lấp kín, chọc thủng hoặc làm biến đổi; sử dụng hóa chất diệt ấu trùng muỗi tại các ổ đọng nước như: các hố ga ngăn mùi, bể cảnh, lọ hoa...; phát quang bụi rậm.
4. Phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng
Chủ động triển khai phun hóa chất diệt muỗi kết hợp với chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy ngay từ khi có nguy cơ nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát.