Ninh Bình: Sáng chế lò đốt rác thân thiện với môi trường
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 13:00, 24/10/2020
Lò đốt CNC 330 có hệ thống xử lý khí thải bằng hệ thống lọc khói, bụi với than hoạt tính và bể lọc. Do đó, khí thải ra từ lò đốt là khí sạch, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 61-MT:2016/BTNMT về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.
Chủ nhiệm đề tài, ông Hoàng Ngọc Chinh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình cho hay: Chúng tôi (nhóm thực hiện đề tài) đã chọn chuyển giao là lò đốt rác thải sinh hoạt CNC 330 của Công ty CP Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam sản xuất có nhiều ưu điểm về đặc tính kỹ thuật của lò đốt rác thải sinh hoạt. Lò đốt rác không cần dùng nhiên liệu hỗ trợ (không dầu, không điện, không khí gas)”
Lò đốt rác đặc biệt này đang được vận hành hiệu quả tại xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Hải Đăng
Theo ông Chinh, công nghệ lò dạng này tích hợp nhiều nguyên lý khoa học: Cách nhiệt, giữ nhiệt và bức xạ nhiệt tối ưu để tăng nhiệt độ cho lò đốt, đồng thời lưu chuyển dòng khí nóng đối lưu thông minh giúp tận dụng được nhiệt thừa, bổ sung cho khả năng đốt rác, giúp cho lò đốt đạt nhiệt độ cao (đạt 950 độ C) mà không cần nhiên liệu phụ trợ, tăng hiệu quả đầu tư và giúp cho lò hoạt động hiệu quả và có độ bền cao.
“Hơn nữa, lò đốt rác CNC 330 thỏa mãn 4 yếu tố cần thiết cho sự đốt cháy hoàn toàn. Việc cấp ôxy cho quá trình đốt được thực hiện thông qua các lỗ cấp gió từ phía 2 bên sườn dưới lò lên buồng đốt sơ cấp, đảm bảo cung cấp ổn định lượng ôxy cần thiết và cường độ xáo trộn rác để đốt cháy hoàn toàn các khí thải trong thành phần khí nhiệt phân, chủ yếu là HCl, CO và H2 thành CO2 và H2O.
Dự kiến, cứ 2 ngày đội thu gom rác của Gia Hưng sẽ thu 1 lần với lượng rác khoảng 3 – 5 tấn, bình quân mỗi tháng đạt từ 70 đến 90 tấn rác các loại trên địa bàn.
“Với lượng vốn đầu tư ban đầu vừa phải, phát huy tác dụng ngay sau khi đầu tư, nên nhu cầu sử dụng lò đốt rác thải sinh hoạt CNC 330 là rất lớn vì phù hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh và trên cả nước hiện nay”- ông Chinh khẳng định.
Theo ông Hoàng Ngọc Chinh, để phát huy hiệu quả cao nhất, tối ưu nhất, thân thiện với môi trường hơn, Hội Nông dân tỉnh phối hợp xã Gia Hưng đã tổ chức các đợt chuyển giao kỹ thuật, vận động, hướng dẫn người dân phân loại xử lý rác từ đầu nguồn, việc lọc phân loại và phơi hong rác (giảm độ ẩm), sau đó mới cho vào lò đốt theo quy trình kỹ thuật và thu gom tro xỉ vào đúng nơi quy định. Với công suất trong một giờ, lò có thể đốt 330kg rác.
Ông Đinh Khắc Thủy – Chủ tịch UBND xã Gia Hưng cho rằng: Quá trình vận chuyển rác về thành phố Tam Điệp mất rất nhiều kinh phí (mỗi năm ước tính 300 triệu đồng), xã không đủ kinh phí để vận chuyển, mặt khác khu xử lý rác Tam Điệp không đủ công suất xử lý rác của các địa phương trong tỉnh.
Theo ông Thủy, lò đốt rác mới lắp đặt ở xã sẽ giúp giải quyết triệt để vấn đề về rác thải. Địa điểm xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt rác CNC 330 đặt tại khu vực Bũng (xã Gia Hưng), bên cạnh khu tập kết rác lộ thiên hiện tại của xã với tổng diện tích trên 10.000m2. Khoảng cách đến khu dân cư gần nhất 2km, đường đi lại thuận tiện, đảm bảo cho việc vận chuyển rác thải, hoàn toàn không ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân khu vực xung quanh.
Minh Trang (T/h)